Am Mây Ngủ là một câu chuyện về cuộc đời Công chúa Huyền Trân, nhưng xuyên suốt cuốn sách ta có thể thấy rõ hình ảnh Công chúa Huyền Trân không thể tách rời khỏi hình ảnh người tăng sĩ áo vải sống trên am Ngoạ Vân núi Yên Tử.
Trong Am mây ngủ ta có thể hiểu về các sự kiện có thực cũng như các lời đồn xung quanh cuộc đời nàng Huyền Trân một cách thật nhân văn và tinh tế qua góc nhìn của tác giả. Trong lời tựa về cuốn sách từ nhà xuất bản Lá Bối đã giới thiệu nét cảm động nhất của tác phẩm chính là việc tác giả – thiền sư Thích Nhất Hạnh đã “lấy lòng của một Thiền sư để hiểu lòng một vị Thiền sư”.
![[Review sách nhanh] Am Mây Ngủ - Thiền sư Thích Nhất Hạnh](https://motreview.com.vn/wp-content/uploads/2023/05/review-sach-am-may-ngu-1.jpeg)
Chuyện kể rằng, Trúc Lâm Đại sĩ trong một lần viếng thăm Chiêm Thành đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Jaya Simhavarman đệ tam (hay gọi là Chế Mân). Khi ấy Công chúa mới 14 tuổi, nàng vẫn còn trẻ con “tuổi đời thơ ngây cần vòng tay che chở của mẹ hiền” chưa quá để tâm đến chuyện chồng con. Mãi cho đến năm nàng 18 tuổi, mối hôn sự ấy một lần nữa được đề cập, lúc này Công chúa mới ý thức được việc nàng về Chiêm Thành không chỉ đơn giản là chuyện gả bán thông thường mà là còn để xây dựng nền hoà bình hai nước Chiêm – Việt lâu dài. Trong dân gian có lưu truyền câu ca dao về sự kiện này:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”
Người ta đều coi Công chúa trở thành vật hi sinh cho cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị này, thậm chí còn coi một nước văn minh như nước Chiêm, vị vua giỏi như Chế Mân là “mọi rợ”. Tuy nhiên, qua con mắt của Sư Ông Làng Mai thì sự kiện này hiện lên thật nhân văn, sự hi sinh của nàng Công chúa nhỏ, tình yêu thương của cha, của anh nàng thật cao cả biết chừng nào.
Lúc đầu chính Công chúa Huyền Trân cũng nghi ngờ mình như là một món hàng để đổi chác. Tuy vậy nàng không hề oán trách, nàng ý thức được số phận của mình :”một nàng công chúa sinh ra là để đền trả công ơn đất nước, cũng không khác gì một vị hoàng tử phải can đảm ra gánh vác trách vụ của một ông Vua”.
Dẫu vậy, nàng hiểu rằng cha nàng và anh nàng cũng rất thương nàng,
đặt hạnh phúc của nàng làm gốc chứ không hẳn chỉ vì lợi ích quốc gia, nàng hiểu “làm thân con gái sinh ra giữa cảnh nước non nguy biến, vượt qua thường tình nữ nhi” để “vì chữ hiếu với cha, vì chữ trung với nước”.
Lần nói chuyện với Thượng hoàng trước khi xuất giá, nàng nhìn bàn tay mình và thấy rằng “không những ta và mẹ con có mặt nơi bàn tay con mà cả giống nòi và đất nước này cũng có mặt nơi bàn tay con. Con ở đâu thì ta ở đó, con làm gì thì ta làm cái đó và dân tộc con làm cái đó” chính vì vậy khi qua Chiêm Thành nàng có thể thương mến dân Chiêm thành như thương mến dân Việt, nàng thấy được cả hai dân tộc cùng đau những nỗi đau như nhau, cùng buồn những nỗi buồn như nhau và cùng ao ước những ao ước như nhau.
Nhưng cũng từ cuộc hôn nhân chính trị ấy đã nhen nhóm cho một mối tình tuyệt đẹp, nàng Huyền Trân đã gặp được một quân vương đáng cho nàng hy sinh. Chế Mân thật đáng là minh quân, đáng được tôn vinh, đáng được trân trọng và đáng được yêu làm sao, chàng vẫn khao khát có một tình yêu đích thực, một tri âm tri kỷ, để cho mình có thể buông bỏ tất cả, dành trọn con tim. Và khi gặp được Huyền Trân công chúa, hai trái tim dường như đã hoà làm một. Vị minh quân yêu nước, ưa chuộng hoà bình và vị Công chúa đất Việt với trái tim của người con Phật đã ấp ủ giấc mơ hoà bình, gắn kết hai đất nước. Vua Chế Mân không hề ngần ngại, bất chấp luật lệ cũ rằng một nước không thể có 2 chánh cung và không thể phong một nữ tử không mang dòng máu Chiêm Thành là Chánh cung để phong nàng Huyền Trân làm Chánh cung Hoàng hậu Paramecvari.
Nhưng ôi thôi hạnh phúc được có bao lâu, trong một cuộc bạo bệnh thì chồng của nàng – vua Chiêm Thành băng hà, để lại nàng cùng đứa con thơ trong bụng và chiếu theo tập tục thì sau khi sinh hoàng tử, nàng sẽ phải hoả táng theo vua. Công chúa Huyền Trân lúc ấy thật can đảm, nàng không sợ chết, nàng chỉ thương tiếc mối tình vừa chớm nở, thương tiếc con nàng sau này sẽ không được lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ nước Việt. Nàng viết thư từ biệt Thượng hoàng, từ biệt các anh của nàng, mong ngóng từng ngày đoàn sứ thần trở về mang theo hồi âm của anh, cha nhưng nàng rất thất vọng khi biết không hề có thư hồi âm nào cho nàng cả. Đọc đến đây tôi cũng có chút buồn thay cho nàng, chẳng lẽ mọi người quên nàng rồi ư? Cho đến ngày lập hoả đàn cho nàng, lúc này tôi mới rơi nước mắt khi biết thật ra vua Anh Tông đã lên kế hoạch cử người đến cứu nàng về rồi, khoảnh khắc nàng một lần nữa được quay trở về quê hương thật sự xúc động. Nhưng xúc động nhất vẫn là nội tâm lúc này của nàng công chúa ấy, nàng thấy trong thâm tâm dường như có cái gì đó đổ vỡ, nàng lo niềm tin của người Chiêm Thành về Đại Việt sẽ không còn “nàng biết nếu có thể chấp nhận hoả đàn để giữ nguyên vẹn tình giao hảo Chiêm-Việt thì phụ hoàng nàng cũng có thể chấp nhận sự đau xót kia để chu toàn ước nguyện hoà bình”. Khi là cô gái mới 19 tuổi lần đầu đến Chiêm Thành, có lẽ Công chúa Huyền Trân còn xa lạ, nhưng khi rời đi, nàng đã mang trong lòng tình yêu lớn lao với chồng nàng – Chế Mân, tình yêu với con trai Chế Đa Đa vừa ra đời và tình yêu với đất nước Chiêm Thành của chồng mình.
Như đã đề cập từ đầu, Am Mây Ngủ tuy nói về Công chúa Huyền Trân nhưng cũng không thể tách rời khỏi hình ảnh Trúc Lâm Đại sĩ. Xuyên suốt cuốn sách thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dùng con mắt của mình để hiểu cho người tăng sĩ áo vải ấy, là một người cha yêu thương con, ngài cũng là người dùng cái đức, cái nhân của mình để cảm hoá vua Chiêm Thành, để cho hai nước Việt-Chiêm được chung sống hoà bình. Tấm lòng cao cả ấy chỉ có công chúa Huyền Trân là người hiểu rõ nhất, tuy nhiên nàng là phận nữ nhi nên cũng không thể làm hơn gì nữa. Sau khi trở lại quê hương, chính Trúc Lâm Đại sĩ là người đưa nàng vào con đường tìm đạo giải thoát, sống cuộc đời an lạc, hạnh phúc. Nàng chọn cách quy y làm ni sư Hương Tràng, nhưng cũng không thoát đời, vẫn ngày ngày chữa bệnh cứu người, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi.
Thông qua cuốn sách tôi phần nào hiểu thêm về lịch sử nước Việt hùng mạnh, thấy được nước Chiêm Thành tươi đẹp, trù phú. Hơn hết được, tôi thấy rõ tình thương bao la với đất nước, với dân tộc, không giống như lịch sử khô khan các nước chỉ biết tranh giành quyền lợi, qua góc nhìn của thiền sư, cho dù là người dân nước nào cũng đều cần cù lao động, chất phác thật thà, họ đều đáng yêu duyên dáng cả. Am Mây Ngủ là một câu chuyện lịch sử được tác giả thể hiện dưới một cái nhìn nhân ái hơn, sâu sắc hơn, câu chuyện dạy cho tôi nhiều bài học về sự yêu thương, nhân ái, về đoàn kết, hoà bình và sự tiếp nối.
Các bạn có thể đọc tác phẩm này và cảm nhận nhé.
Tác giả review: Giác An Linh (Mọt Sách Giấy)
Mong cả nhà nếu có nhu cầu mua sách, hãy mua theo Link này tại Tiki và Shopee Mall. Đây là những Shop mình chọn lọc theo lượt mua và giá bán, phản hồi tích cực từ người mua, giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Mỗi lượt mua sẽ giúp MOT có được 2% hoa hồng từ chủ Shop (không ảnh hưởng đến giá sản phẩm) để MOT duy trì website. Mình cảm ơn bạn nhiều.