Đây là cuốn sách được xem như là “bách khoa thư thu nhỏ” về lịch sử đông dương và việt nam thời thuộc địa. Trong nội dung cuốn sách, 2 tác giả Pierre Procheux và Daniel Hémery đã phân tích, lập luận, lý giải, chứng minh các vấn đề xoay quanh trục vận động này trong quá trình thực dân hóa của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam.
Từ triều Gia Long (1802-1819) tới triều Tự Đức (1848-1833), nhà Nguyễn đã phải trấn áp hơn bốn trăm cuộc nổi dậy, như những cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành và của Nguyễn Hạnh (1826-1827) trong vùng Nam Định, của Lê Duy Lương, hậu duệ chân chính nhà Lê, tại Ninh Bình (1833) hay của Tạ Văn Phụng (1862-1865).
Lúc này xuất hiện tại bán đảoĐông Dương một tình thế xung đột phức tạp, dễ đưa đến sự lệ thuộc. Đó là sự xung đột của ba yếu tố mà sau năm 1850 sẽ chi phối tương lai của khu vực trong hơn một thế kỷ: yếu tố Trung Quốc, căng thẳng nội bộ khu vực và sự xâm nhập của chủ nghĩa đế quốc Pháp vào Đông Á.
Yếu tố Trung Quốc có ý nghĩa quyết định vì hai lý do. Đằng sau những cuộc chinh phạt của Pháp tại bán đảo Đông Dương vào thế kỷ XIX có một kế hoạch dính dáng đến Trung Quốc, ý định thâu tóm thị trường rộng lớn của một quốc gia-lục địa.
Pháp triển khai kế hoạch kiểm soát theo kiểu thuộc địa, đối với các cửa sông Mékong và các bờ biển Việt Nam thuộc vùng biển Hoa Nam [Biển Đông]. Nhưng Trung Quốc cũng là nhân tố bên ngoài có tính quyết định – ngay cả khi không hiện diện trên vũ đài Đông Dương, bởi sự tham gia của các công ty trong khu vực vào mạng lưới kinh tế, chính trị và văn hóa, bởi vai trò cường quốc bảo hộ của nó đối với các chư hầu thuộc khu vực Đông Dương và vai trò quân sự quyết định của nó, một cách trực tiếp hay gián tiếp, đối với kết cục của những cuộc xung đột quân sự diễn ra ở đó.
Cuộc can thiệp quân sự gần nhất của Trung Quốc tại bán đảo, trước những cuộc can thiệp liên tiếp vào thời kỳ 1945-1986, có lẽ chính là cuộc chiến với Pháp vào năm 1884-1885 để ngăn cản sự lệ thuộc của nhà Nguyễn.
Mặc dầu bị suy yếu, đế quốc Trung Hoa đã bắt đầu quá trình hiện đại hóa ở thời kỳ Trung Hưng (1860-1870), trở thành một cường quốc quân sự và hải quân đáng gờm. Đông Dương chỉ có thể thuộc Pháp nhờ vào sự chấp thuận – dẫu miễn cưỡng – của Trung Quốc. Yếu tố quyết định thứ hai khiến kế hoạch thuộc địa của Pháp bị đứt quãng: sức kháng cự chênh lệch của các Quốc gia và các tập hợp trên bán đảo Đông Dương. Công cuộc thực dân hóa đã vấp phải gần như ở khắp nơi trong xứ này sự chống đối vũ trang thường là ngoan cường, nhưng không có một hệ thống xã hội và nhà nước nào đủ khả năng đánh bại nó.
Tại Cao Miên, vua Norodom tỏ ra lo lắng muốn hiện đại hóa Quốc gia và tìm cách học theo gương Xiêm La. Minh Mạng (1820-1840) và Tự Đức (1848-1883), hai cá tính mạnh mẽ cuối cùng nắm giữ ngôi báu Việt Nam vào thế kỷ XIX cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhưng khác với những gì sẽ diễn ra sau năm 1945, cuộc kháng chiến chống xâm lược lúc này chỉ mang tính khu vực và địa phương, và nước Pháp đã tìm thấy sự ủng hộ nhập nhằng, khả nghi – nhưng cũng ý thức được rằng không còn lựa chọn khác – từ triều đình Cao Miên và từ những công quốc Lào: đối mặt với mối đe dọa kép là Xiêm La và Đại Nam, họ phải miễn cưỡng chấp nhận nền bảo hộ của Pháp và coi đó là sự sống còn.
Để triều đình Huế khuất phục, Pháp phải tiến hành một loạt chiến dịch quân sự trực tiếp (1858-1862, 1873, 1882-1885). Trên thực tế, ở Việt Nam hay ở Trung Quốc cùng thời kỳ đó, tầng lớp lãnh đạo gồm quan lại sĩ phu và hương chức nông thôn phải đối mặt với thách thức khó khăn của việc chuyển đổi từ đế quốc Nho giáo sang nhà nước hiện đại, thách thức mà tầng lớp đó không thể thấu suốt. Hầu hết các quan đại thần, hẳn là với sự nhất trí của đa số các nho sĩ, thoạt tiên đã lựa chọn cách thức đối đầu không khoan nhượng.
Kể từ cuộc Chiến tranh Nha Phiến đầu tiên (1839-1841), triều đình Huế bắt đầu ý thức về mối đe dọa phương Tây. Nhưng tương tự như phe Qingliu (phe “liêm khiết”) của bộ máy quan lại của Trung Quốc, quan lại Việt Nam đã phân tích mối đe dọa này dựa trên những tiền lệ thảm hại của Ấn Độ và Trung Quốc, theo khái niệm khủng hoảng có tính chu kỳ của thiên mệnh trong Nho giáo và theo những phạm trù vốn chỉ dành cho những kẻ quê mùa dốt nát. Và do vậy, tầng lớp đó tự đặt mình vào tình thế hoàn toàn không hiểu biết về hiện tượng đế quốc, dẫn đến không có khả năng đưa ra một phản ứng chặt chẽ, và cuối cùng không nắm bắt được thời cơ mà những biến động liên tiếp giữa thế kỷ mang lại cho họ. Thái độ này có thể được lý giải. Quan lại và nho sĩ cảm nhận rõ ràng nguy cơ tàn phá mà sự bành trướng hoạt động của ngoại nhân, nhất là hoạt động của những nhà truyền giáo, tạo ra đối với trật tự xã hội hiện thời, đối với Nho giáo chính thống, đối với vị thế xã hội của chính họ. Ngoài ra, triều đình và bộ máy hành chính đã không còn thụ động trước phương Tây và trước nước Pháp.
Tác giả review: Hoài Phạm (Mọt Sách Giấy)
Mong cả nhà nếu có nhu cầu mua sách, hãy mua theo Link này tại Tiki và Shopee Mall. Đây là những Shop mình chọn lọc theo lượt mua và giá bán, phản hồi tích cực từ người mua, giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Mỗi lượt mua sẽ giúp MOT có được 2% hoa hồng từ chủ Shop (không ảnh hưởng đến giá sản phẩm) để MOT duy trì website. Mình cảm ơn bạn nhiều.