Có lẽ bạn cũng sẽ như mình đều rất ấn tượng với tựa sách. Ngoài ra còn cả bìa nữa. Nhìn bìa cho mình cảm giác sợ. Và khi sợ quá người ta sẽ không dám làm cái gì đó. Ví dụ có thể với tựa sách này người ta có thể ngừng giải trí vì sợ chết.

Cuốn sách này được viết năm 1985 và đến hôm nay nó vẫn không hề lỗi thời. Quyển sách giải thích những khái niệm, thuật ngữ, ở chương 1, 2 để làm nền cho những lập luận ở chương sau. Tiếp theo là phân tích các góc độ của các phương tiện thông tin và ảnh hưởng của nó đến xã hội. Và cuối cùng là những đúc kết, góc nhìn và hướng nhìn của tác giả về một xã hội bùng nổ thông tin. Tác giả đã qua đời, nhưng những góc nhìn, sự trăn trở, nỗi lo của ông đều đã trở nên rất thật.
Phương tiện giao tiếp sẽ phần nào đó quyết định cách chúng ta tư duy. Khi không có chữ viết truyền miệng buộc chúng ta phải nhớ nhiều, ngôn ngữ vần điệu dễ thuộc để có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến lúc chữ viết lên ngôi thì chúng ta diễn giải vấn đề một cách đủ đầy hơn. Việc in ấn phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy việc đọc đến với hầu như tất cả các tầng lớp.
Dường như khoảng cách địa vị đã thu ngắn lại rất nhiều. Anh có thể là một tù nhân nhưng việc anh viết ra một tiểu thuyết hay là chuyện rất bình thường trong xã hội như thế. Cứ xuôi theo một dòng sự kiện. Con người cứ đi như thế, đến khi chảy trôi đủ thì mới dừng lại và đánh giá lợi hại của những gì chúng ta tiếp nhận. Khi bước vào xã hội thông tin cũng như thế. Mọi người hân hoan chấp nhận, vui vẻ cười đùa, hạnh phúc với những phút giây giải trí… và đôi khi cũng không dừng lại để coi thông tin đã ảnh hưởng đến mình một cách như nào. Không biết nên cười vì điều gì và không biết tại sao chúng ta dừng suy nghĩ.
Việc cứ xuôi nhanh theo rất nhiều thông tin được cung cấp ngày nay sẽ khiến chúng ta rất vội. Vội sống, vội làm… điều này sẽ khiến ta nhanh đến mức để đánh giá một điều gì đó cho đúng với sự thật. Thậm chí chả biết đâu là đúng đâu là sai với những tin tức như hiện nay.

Truyền hình, internet, những video …chiếm một vị trí chủ đạo trong phương tiện thông tin đã trở nên hiển nhiên và được chấp nhận một cách rộng rãi. Bên cạnh những mặt lợi cho những tổ chức lớn thì dường như đối với cá nhân ngày càng có câu chuyện đáng buồn hơn. Thời gian trên mạng đôi khi được ưu tiên hơn cả chơi với con, ván game đang còn bỏ dở nên mặc kệ, nốt ván này cái đã, đang clip vui chờ một xíu nữa… sức hấp dẫn thật sự rất lớn. Và ngày nay không có ngoại hình, không đẹp, không bắt mắt, vẻ ngoại không hợp nhãn đang trở thành vấn đề rất lớn. Một bài viết mà hình ảnh không đẹp dù nội dung hay đến như nào vẫn sẽ bị lướt qua. Ấn tượng mạnh, vui vẻ, mang tính giải trí… ảnh hưởng đến cách mà chúng ta nhìn mọi thứ.
Cuốn sách này là một góc nhìn hay đồng thời cũng là một lời lí giải cho bản thân mình về những vấn đề xung quanh trong cuộc sống. Đọc để suy nghĩ, để diễn dịch, để bản thân có thêm một góc nhìn thú vị về cuộc sống. Và đọc để thấy được sự tác động mạnh mẽ trong thời đại thông tin ngày nay. Để thấy rằng tưởng rằng mọi thứ đang thật phát triển chỉ là một luận điểm được làm bóng hơn rất rất nhiều.
Tác giả review: Tiên Hề (Người đọc sách)

Tác phẩm kinh điển bán chạy nhất của bậc thầy Neil Postman, một bậc thầy về nghiên cứu văn hóa truyền thông.’’
- Tại sao bây giờ những công việc liên quan đến giải trí lại kiếm được khá nhiều ?
- Tại sao content mang tính giải trí lại thu hút nhiều lượt xem hơn những content khác ?
- Hình thức truyền thông có ảnh hưởng đến tư duy và văn hóa như thế nào ?
Việc xã hội loài người phát triển từ hình thức ngôn ngữ văn nói cho đến văn viết, in ấn, rồi đến tivi có thể gợi mở nhiều suy nghĩ về hình thức truyền thông chủ yếu chúng ta dùng hiện tại: Internet. “Giải trí đến chết’’ một cuốn sách phân tích sâu về tình hình một đất nước Hoa Kỳ đã đầu độc tư duy của chính nó bằng tivi và giải trí từ những năm 80, nhưng vẫn còn nhiều giá trị cho đến bây giờ.
Đồng thời cuốn sách còn gây chấn động về tác động ăn mòn của truyền hình và phương tiện truyền thông điện tử đối với văn hóa con người. Đó là cái nhìn tiên tri về những gì sẽ xảy ra khi chính trị, báo chí, giáo dục và thậm chí cả tôn giáo trở thành đối tượng của nhu cầu giải trí và mạng xã hội trở thành một thế lực có thể thao túng và khống chế tư tưởng con người.
Giờ đây, với sự bùng nổ của Internet, smartphone, mạng xã hội và thực tế ảo và các thuật toán gợi ý nội dung tinh vi, các nội dung này ngày càng lan rộng đến mọi ngóc ngách trên thế giới, khuếch đại sự truy cầu các kích thích tâm lý và dục vọng của con người – thì ý nghĩa của cuốn sách càng to lớn hơn.
Sự bùng nổ của Internet, các ứng dụng di động, mạng xã hội và trò chơi điện tử ngày nay đang gây ra một làn sóng nghiện ngập mới. Chúng giống như một loại ma túy tinh thần, được tiêm bằng một ống tiêm dưới da chính là chiếc điện thoại di động lúc nào cũng có trong túi của mỗi người. Thực tế, mạng xã hội dễ dàng gây nghiện hơn cả rượu bia và ma túy bởi vì chúng phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí.
Những điều này cho thấy Neil Postman đã đúng khi nhận định đúng, vào thời đại giải trí, tiêu khiển vô độ như hiện nay, kẻ hủy diệt nhân loại không phải là “kẻ thù” hay những điều chúng ta thù ghét, sợ hãi, mà rất có thể là những thú vui tiêu khiển, những điều chúng ta đang yêu thích và mê đắm kia.
Những thứ chúng ta yêu thích sẽ hủy hoại chúng ta.
– Chuyện trò với Bình Book –
