Bộ này có 4 quyển, trước có tên là Lời tiên tri núi Andes, trong đó quyển 2 là nói về các cách học ứng dụng 9 khải huyền, quyển 3 về khải huyền thứ 10, quyển 4 là lời của tác giả về ứng dụng khải huyền thứ 10, cảm nhận về hiện tại qua 10 khải huyền và các hiệu ứng có thể của chúng. [Fb: Thắng Nguyễn Đức]

Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách này và nhìn thấy tấm hình tôi dùng để review cuốn sách, chắc chắn bạn sẽ thấy hơi tò mò và đồng điệu. Bởi vì khung cảnh phía sau gợi đến những gì đã từng đề cập trong cuốn sách, đó là những khu rừng già, những thân cây cao sừng sững với tán lá đồ sộ, những cái cây luôn tràn đầy một nguồn năng lượng mà không hiểu sao ai cũng thích ngắm nhìn.

Nhâm nhi ly cà phê và đọc nốt những trang cuối cùng để viết một vài lời về cuốn sách này từ khi nhận được nó từ Tiki…mà cũng phải ngồi ở cái quán có mấy cái cây cổ thụ này để viết.

[Tất cả về] Lời tiên tri Celestine | Khai mở để cảm thụ
[Tất cả về] Lời tiên tri Celestine | Khai mở để cảm thụ

Thực ra tôi không biết nên nói đây là cuốn sách hay hay không, tôi chỉ thích thông điệp của nó chứ thực sự không thích nó. Mặc dù đây là thể loại sách rất hợp gu và rất đúng với khẩu vị của mình, những câu chuyện, những tư tưởng, những khơi gợi ở khía cạnh tâm linh, tỉnh thức, khai mở bản thân, nhưng cuốn sách này đang thiếu một cái gì đó mà tôi chưa hình dung, gọi tên ra được để nói nó hay.

Ở góc độ là tiểu thuyết pha chút hành động, nó vẫn chưa thực sự lôi cuốn, tình tiết chưa được đẩy lên cao trào để làm gay cấn người đọc, có vẻ như lời tựa của giáo sư John Vu làm tôi phán đoán khá nhiều diễn biến của câu chuyện nên mất sức hấp dẫn chăng? cũng có thể, nhưng nếu tôi là một nhà làm phim để dựng lại câu chuyện này, tôi sẽ đưa người đọc đi qua nhiều bất ngờ hơn. Tôi đã từng háo hức theo chân nhân vật chính để tìm kiếm một chuyến phiêu lưu tỉnh thức, một hành trình rượt đuổi đầy mạo hiểm, sống động nhưng thực tế tôi lại thấy sự gượng gạo, khơi gợi tình huống của tác giả nên câu chuyện kém phần tự nhiên, điều này so sánh với lối viết trong các cuốn sách về tôn giáo của Dan Brown thì tác giả này có lẽ chỉ đạt 6/10.

Điển hình như việc chính phủ can thiệp vào Thủ bản, can thiệp vào việc cấm lưu hành, phát tán bản sao, rồi kể cả giáo hội phía Peru với tư tưởng muốn hủy hoại nó, giá như tác giả đẩy những tình huống này lên mức nguy hiểm hơn, thực tế hơn và thêm thắt lý do cho nó đáng giá hơn thì hay biết mấy. Ví dụ như đưa việc đi tìm Thủ bản không chỉ là các nhà khoa học mà có cả giới săn tìm đồ cổ, săn tìm một tài liệu cổ xưa có giá trị hàng triệu Mỹ kim chẳng hạn, và chính phủ lao vào như việc giữ gìn quốc bảo, thì câu chuyện sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

Việc đối thoại của các nhân vật ở một khía cạnh nào đó như tác giả đang “mớm cung” vậy, mặc dù những nhân vật này mới gặp nhau lần đầu, theo như tác giả thì đó là những cơ duyên của những con người đồng nhịp, nhưng thiết nghĩ dù là tiểu thuyết, dù muốn trao gửi những thông điệp thì…đừng gượng ép, hãy để nó đi đến một cách tự nhiên để người đọc đón nhận.

Tuy nhiên có một điều tôi tâm đắc. Thời điểm bây giờ, cách đây vài ba năm, bạn nghe nhiều về hai từ “Tỉnh thức”, về lối sống nhìn nhận mình ở phía bên trong, nhìn về nội tâm và khám phá những thứ nội tại của chính mình.

Lãnh đạo tỉnh thức, lối sống tỉnh thức, làm việc tỉnh thức, cân bằng công việc cũng như yêu quý bản thân mình và mọi người một cách tỉnh thức, điều đó sẽ làm cuộc sống tốt đẹp lên. Chắc hẳn thỉnh thoảng bạn muốn rời bỏ phố xá một vài hôm, bạn muốn bước ra khỏi văn phòng 8 tiếng quay cuồng với deadline, với kpi để trở về một chốn đồng quê nào đó, hít thở bầu không khí, tiếp thêm năng lượng cho mình?

Có bao giờ bạn tự hỏi năng lượng đó là cái gì không, tôi nghĩ phần nhiều bạn không để ý, có thể bạn sẽ nghĩ đó chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời, là năng lượng trong sức khỏe tinh thần, là cảm giác thư giãn cho trí não bớt stress, hay đó là khoảng thời gian cần lắng lại để suy nghĩ về những gì đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời bạn. Thông thường người ta sẽ nghĩ vậy.

Nhưng có khi nào bạn tin năng lượng đó lại là một nguồn năng lượng vật chất thực sự mà bạn có thể cảm nhận được, hấp thụ được? Nghe thì có vẻ dị đoan, nhưng để trả lời câu hỏi đó thì để dành cho các bạn thích nghiên cứu, tập luyện về Thiền, Yoga. Thôi cũng chả dám bàn thêm vì nó không nằm trong phạm vi của vài dòng review sách.

Tôi làm về công nghệ nhưng lại có niềm tin về tâm linh, thích những tư tưởng về tâm linh, đặc biệt lại thích những minh triết đến từ các tôn giáo, nhưng có vẻ như thích cách diễn đạt của phương Đông hơn là những cách lý luận của người phương Tây (như trong cuốn sách này). Câu chuyện về sự khai sáng, tỉnh thức mà cuốn sách này muốn truyền đạt vẫn luôn là một chủ đề vô cùng rộng lớn, tôi cũng có nghe các podcast của thầy Minh Niệm, đọc một chút sách của thầy Thích Nhất Hạnh, của tác giả Nguyên Phong (người viết lời tựa cho cuốn sách ở đợt xuất bản này) nên cũng có ý thức được phần nào ý tứ của tác giả, nhưng không hiểu sao vẫn cảm thấy không hay như mong đợi. Hay có lẽ mình chưa đọc, chưa nghiên cứu được nhiều, hoặc thời gian không cho phép để đọc nó một cách chi tiết và nghiền ngẫm nhất?

Tất nhiên mỗi người đọc sẽ có điều gì đó cảm nhận của riêng mình, và hi vọng bạn sẽ thích thú với cuốn sách, biết đâu như một sự khai mở để bạn biết lắng nghe, cảm thụ, yêu thương bản thân, mọi người và cuộc sống hơn, để thành công hơn, kiếm được nhiều tiền hơn…khi bạn mong cầu, quyết tâm cho một điều gì đó, mọi sự hữu duyên sẽ giúp đỡ bạn.

Tác giả review: Trường Thọ (Người Đọc Sách)

Link Shopee

Link Tiki