——————-

Phố Cannery Row là cuốn tiểu thuyết của John Steinbeck với từng mẫu chuyện độc lập – riêng lẻ kể về đời sống của mỗi con người, phong cảnh thiên nhiên, từng sinh vật đang sinh sống trong con phố tên là Cannery Row cạnh bờ biển thuộc bang Califonia – Hoa Kỳ. Tuy cốt truyện có một vài nhân vật nổi bật, nhưng không có nhân vật chính, hay có thể nói nhân vật chính là bất cứ sự việc gì xảy ra tại con phố nhưng không vì thế câu truyện rời rạc mà luôn liên quan gián tiếp đến nhau.

Có thể một chương John Steinbeck có thể nói về con người, một chương có thể miêu tả cảnh vật thiên nhiên đang xảy ra, hay một chương chỉ đế nói về những chuyện vặt vãnh của một cư dân đang sống ở đây cũng cả môth chương chỉ để tả về một con chuột.

PHỐ CANNERY ROW - NHỮNG CON NGƯỜI NGHÈO NHƯNG LƯƠNG THIỆN
PHỐ CANNERY ROW – NHỮNG CON NGƯỜI NGHÈO NHƯNG LƯƠNG THIỆN

Gấp cuốn Phố Cannery Row lại, tôi nhận thấy cuộc sống con người với nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn giày vò nhưng sự thiện lương luôn tồn tại trong cuộc sống này, con người đều có lòng tự trọng & quyết không làm mất phẩm giá. Sự thiện lương cũng cần có cơ hội “nảy mầm” chứ nó không thể tự mình phát triển trong sự “dè bỉu, bỉ ôi được”. Khi bạn làm điều “tốt” thì “bắt buộc” bạn phải có trí thông minh và hiểu biết chứ đừng như Mack – anh “thanh niên” 48 tuổi vì cảm mến nhân vật Doc. Anh ta luôn nhận định Doc là người tốt “ Ông Doc là người tốt. Mình nên làm gì cho ổng ”và anh cùng nhóm “choai choai” muốn tổ chức một bữa tiệc làm cho Doc bất ngờ bằng cách đột nhập vào nhà Doc để trang trí với mục đích làm Doc bất ngờ nhưng cả đám trở thành kẻ phá hoại nhà Doc tan nát. Chính vì lý do này, mà anh cảm thấy hối tiếc, ân hận vì những ngớ ngẩn của chính mình. Doc cũng chưa bao giờ trách, mắng hay chửi bới Mack và đồng bọn. Doc cũng không kể với ai về chuyện này, cho Mack và bọn choai choai một cơ hội để trở thành người tốt.

Hay như Dora Flood với mái tóc màu cam rực rỡ – làm chủ “một nhà thổ và có tên là Cờ Gấu với một giá lương thiện, không bán rượu mạnh, không cho phép nói lớn tiếng hay nói tục trong nhà bà”. Khi cuộc sống người dân khó khăn thì bà vẫn đi làm từ thiện. Chính phủ đến xin tiền quyên góp lúc nào bà cũng quyên góp hơn gấp vài chục lần số tiền đề nghị. (người ta đề nghị 1 USD, thì bà cho hẵn 50 USD). Bà sẵn sàng cho “gái” đến từng gia đình chỉ để nói chuyện, giúp đỡ mọi người qua cơn nguy kịch trong một trận dịch cúm xảy ra toàn thành phố mà không lấy một đồng phí nào. Một điều tuyệt nhiên dù “gà bà nuôi” bị đau yếu mà không thể làm việc được thì bà vẫn không bỏ rơi họ và vẫn phục vụ cơm ăn ngày 3 bữa. Bà có kinh nghiệm đối phó với nhiều dạng người và hay bông đùa với nhiều người loạn thần kinh.

Ông chủ tiệm tạp hoá người Tàu, tên là Lee Chong nổi bật đức tính kinh doanh của người Hoa với tài “bán hàng” không bao giờ giảm giá. Ông có thể cho mọi người thiếu nợ đến một ngưỡng nhất định nhưng khi đến đó thì ông không bán nữa và cũng ko truy đòi số nợ.

Miệng Lee đầy đặn và nhân từ, khi cười loé lên ánh vàng sang cả và ấm áp. Cặp mắt thân nâu thân thiện của ông đảo khắp tiệm và răng ông loé tới khách hàng

Trường hợp cái chết của Horace chỉ là tai nạn khi anh ấy thiếu nợ Lee Chong quá nhiều và anh ta muốn bán cái nhà đang ở cho Lee Chong để trả hết nợ vì không muốn vợ & con gánh nợ thay mình. Lee Chong đồng ý và cuộc giao dịch tiến hành mà không có giấy tờ gì. Horace vui sướng vì đã trả hết nợ nhưng cũng là lúc Horace “ tự mình kết liễu cuộc đời”.Lee cảm thấy hối tiếc và không có ý ép Horace ra đi như vậy. Lee Chong trả phí đám tang và một chầu hàng hoá đầy ắp cho vợ con của Horace. Lee Chong cũng chẳng sử dụng căn nhà mà Horace gán nợ và cho đám Mack ở không mà chẳng bao giờ thu phí. Đôi khi phải dẹp bỏ cái tôi sang một bên để cuộc sống “thoải mái hơn”. Đó là cách ông làm hoà với đám của Mack khi ông nghĩ Mack và đám choai choai kia hư hỏng, vô công rỗi nghề, phá nhà của Doc.

Đó là Mack là “thủ lĩnh” của đám choai choai vô công rồi nghề, tuy ít học nhưng Mack là một người lương thiện không thích gây gỗ, phá làng, phá xóm. Dù có những lúc thiếu ăn, thèm bia thì anh vẫn đến hỏi Lee mua chịu. Lee không bán thì anh cũng đi về nhà. Anh luôn dạy mấy đứa đàn em, đừng cố làm điều xấu vì chỉ một vết nhơ thì người ta sẽ khinh thường mình. Mấy đứa đàn em mỗi người một khả năng, một biệt tài riêng biệt. Mack là thủ lĩnh luôn nghĩ cách kiếm tiền chân chính dù anh luôn người thất bại trong mọi kế hoạch kiếm tiền. Nhưng cuộc đời thì chỉ cần “nghĩ thiện” thôi cũng là một điều tự hào rồi.

Đó là Doc – chủ phòng thí nghiệm Sinh Vật Miền Tây chuyên bán tất cả những thứ sinh vật sống ở biển hay trên rừng theo đơn đặt hàng của từng khách hàng : đó là bạch tuộc con, sao biển….nhà ông toàn những sinh vật lạ. Doc với lòng “nhân từ, thiện lương” vô bờ bến cùng với kiến thức về cuộc sống, y học, đối nhân xử thể. Mọi người coi ông như một nhà thông thái trong vùng. Người dân có bất cứ chuyện gì cũng đến hỏi ông từ chuyện con chó sắp chết, đến chuyện bị bệnh hay liên quan gì đến cơ thể thì cũng hỏi ông xin lời tư vấn. Mỗi lần ai được ông tư vấn đều rất vui mừng vì họ giải quyết được khó khăn của họ. Ông dường nổi bật như một nhân vật chính của tác phẩm.

Khi Doc trên đường trở về nhà sau khi đi bắt bạch tuộc theo một đơn đặt hàng, nhóm của Mack lẻn vào nhà Doc vì muốn tổ chức tiệc cho ông nhưng vô tình phá nhà phá cửa và ẩu đã với một đám khác làm phòng thí nghiệm của Doc tan hoang nhưng ông chỉ đánh vào mặt, vào miệng Mack 3 cái và không bắt đền Mack một xu. Mack đúng chịu đòn và không đánh trả, anh đề nghị sẽ trả chi phí sửa phòng thí nghiệm nhưng Doc từ chối :

“Không Mack, anh không phải đền cái gì cả, vào nhà vệ sinh rửa mặt đi”.

Dù ông phải vay ngân hàng 300 USD để sửa lại phòng thí nghiệm để tiếp tục kinh doanh nhưng chưa một lần ông oán trách Mack và đám choai choai. Hay chứng kiến việc ăn cắp đồ của Frankie với mục đích tặng cho Doc có giá 75 USD và cảnh sát gọi Doc đến để xử lý vì không liên lạc được cha mẹ đứa bé. Doc không nói gì và bảo vệ đứa bé, ông trả 75 USD cho món đồ kia bị vỡ kia mà không thắc mắc gì để thằng bé thoát khỏi cảnh sát. Trong một lần vô tình, biết được cả phố Cannery Row tổ chức tiệc sinh nhật cho mình trong một quán ăn. Ông chẳng nói gì mà đi “cà thẻ ngân hàng” mua rất nhiều thức ăn, bia, rượu mạnh để cho mọi người cùng vui vì ông biết là họ không có tiền. Dù biết rằng, ông sẽ giải thích chi tiết với ngân hàng vào tháng sau cùng khoản vay trước trả sau này.

Trong một cuộc uống bia với bạn, nhìn sang biệt thự lữ thứ nơi ở của Mack và đám choai choai ông nhận xét về họ :

“Tôi vẫn cứ thấy lạ, những điều chúng ta thán phục ở con người như lòng một tử tế và quảng đại, cởi mở, chân thành, hiểu biết và cảm thông, lại là những thứ đi đôi với thất bại trong xã hội của chúng ta. Còn những điều chúng ta ghê tởm, như lừa đảo, tham lam, hám lợi, bần tiện,tự cao và tư lợi, lại là những đặc điểm của thành công. Và khi người ta thán phục đức tính đầu thì họ lại thích kết quả của đặc điểm sau”

Câu chuyện kết thúc khi Doc thức dậy sau buổi tiệc và bắt đầu dọn dẹp ngôi nhà của mình, ông rửa từng cái ly, cái dĩa và mở nhạc và hát theo lời bài hát.

Cuốn sách thật thú vị, không có khổ đau, không có cái chê.t, không bi luỵ và không ưu sầu như Hạt Ngọc Trai hay Của Chuột và Người. Đó chỉ là những khoảnh khắc đời thường của những cư dân tại một thị trấn. Bối cảnh của Phố Cannery Row lẫn tuyến nhân vật kỳ khôi này chẳng đâu xa lạ mà đều được John Steinbeck “bê nguyên xi” từ phố đóng hộp cá mòi Ocean View Avenue ngoài đời thực. Nhà sử học Michael Hemp đã khẳng định Phố Cannery Row gần như không còn là một tiểu thuyết hư cấu:

“Chẳng thiếu kẻ lạ đời sống ở phố này để viết về họ, John chỉ việc quan sát xung quanh mình là đã thu về hàng đống tư liệu rồi.”

Sau thành công vang dội của Phố Cannery Row, phố Ocean View Avenue nhanh chóng biến thành khu thương mai nhộn nhịp và chính thức được đổi tên thành Cannery Row vào năm 1953 để tri ân tác phẩm này của John Steinbeck.

Một điểm đáng chú ý nữa về Phố Cannery Row là toàn bộ thời gian trong câu chuyện đều được kể ở quá khứ. Tuy ra đời năm 1945, ngay sau Thế chiến thứ hai, nhưng mọi sự kiện của tiểu thuyết đều nằm vào thời kỳ Đại khủng hoảng thập niên 30 tại Mỹ.

Tác giả review: Triệu Dương (Nguồn: Người Đọc Sách)