Bài review được viết bởi người dùng có nick Facebook Hà Thy Linh – nhóm Người Đọc Sách

Phải nói rằng, “Lược sử ngôn ngữ” là một cuốn sách vô cùng hữu ích dành cho những ai quan tâm và muốn nghiên cứu về ngôn ngữ, đặc biệt là những người cầm bút. Nó cũng phù hợp với những ai yêu thích khoa học thường thức, muốn biết câu trả lời cho những câu hỏi căn bản và lâu đời nhất về con người và sự tiến hóa của loài người. Cuốn sách cũng đồng thời là một bổ sung uyên bác cho kho tàng kiến thức của mỗi cá nhân. Cuốn sách này chính là hành trình khám phá bí ẩn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngôn ngữ loài người.

Cuốn sách được chia làm 4 phần, bao gồm: Những tông Hominini đầu tiên; Những thích nghi về mặt sinh học dành cho ngôn ngữ; Sự tiến hóa của hình thức ngôn ngữ; Sự tiến hóa về văn hóa của ngôn ngữ. Bên cạnh đó, sách còn có 35 hình ảnh minh họa cụ thể để giúp quá trình phân tích, lập luận của tác giả thêm chi tiết và sinh động. Hiện tại, mình xin được giới thiệu ngắn gọn về “Lược sử ngôn ngữ” và xin hẹn sẽ viết một bài nghiên cứu chuyên sâu về cuốn sách này trong thời gian tới.

Lược Sử Ngôn Ngữ Học - DANIEL L. EVERETT
Lược Sử Ngôn Ngữ Học – DANIEL L. EVERETT

PHÁT MINH VĨ ĐẠI NHẤT CỦA LOÀI NGƯỜI

Có thể nói, ngôn ngữ chính là phát minh vĩ đại và tuyệt vời nhất của loài người và những câu hỏi về nguồn gốc của ngôn ngữ luôn là những câu hỏi thường trực của nhiều ngành khoa học như ngôn ngữ học, triết học, nhân học, khảo cổ học, sinh học, tâm lý học, khoa học nhận thức, khoa học hành vi… Ta không thể thấu triệt các khía cạnh về ngôn ngữ nếu không hiểu được nguồn gốc và sự phát triển của nó. Do vậy, làm thế nào loài người có được ngôn ngữ là một câu chuyện đầy ắp những khám phá và phát kiến thú vị, không tài nào kể xiết.

“Lược sử ngôn ngữ” kể lại câu chuyện về lịch sử tiến hóa độc đáo, trải rộng của ngôn ngữ với tư cách là một phát minh của con người – từ buổi bình minh tiến hóa cho đến ngày nay, khi đã có hơn 7.000 ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới. Sự phức tạp và phạm vi của chúng được quy định bởi đồng loại của chúng, sau đó được phát triển thành những biến thể mang tính địa phương, từng cộng đồng mới lại thay đổi ngôn ngữ cho phù hợp với văn hóa của mình.

Theo Daniel L. Everett, mỗi người đều là một phần của một nền văn hóa và là một phần của sự sáng tạo, những ý tưởng, nỗ lực trước đó của những người khác, cũng như của thế giới tri thức mà loài người đang sống nói chung. Mọi phát minh đều được hình thành theo dòng thời gian, tuần tự từng chút một. Ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Ngôn ngữ dần xuất hiện từ một nền văn hóa, được hình thành nhờ việc con người giao tiếp với nhau thông qua hoạt động của não bộ. Hay nói cách khác, ngôn ngữ chính là cánh tay phải của văn hóa.

Ngôn ngữ không đơn thuần là một hình thái giao tiếp, nó là một hình thái tiến bộ hơn của sự biểu đạt văn hóa, dựa trên những khả năng độc đáo về nhận thức của con người cùng với những quy tắc chung liên quan đến cấu trúc trao đổi thông tin. Theo tác giả, những ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng không đơn thuần là sản phẩm của hơn một triệu năm tiến hóa mà còn là thứ vũ khí giúp loài người trở thành “kẻ săn mồi” bậc nhất thống trị hành tinh.

ĐÁNH GIÁ TỪ CÁC CHUYÊN GIA:

Đây là một cuốn sách đa chiều, đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Tiến sĩ Phạm Văn Lam, Viện Ngôn ngữ học, cho biết: “Là một người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và ngôn ngữ học, quan tâm nhiều đến sự tiến hóa của ngôn ngữ, khi đọc ‘Lược sử ngôn ngữ’, một mặt, tôi cảm thấy rất hứng thú, thu lượm được nhiều điều mới mẻ từ nó, chia sẻ với nó; và mặt khác, đôi lúc cũng phải cau mày, bóp trán suy nghĩ, đặt câu hỏi chất vấn, nghi ngờ và bất đồng với nó… về một vài vấn đề mà nó đặt ra, gợi mở hay trả lời. Có lẽ, cái lý thú của khoa học, sự bổ ích của tri thức, sự hấp dẫn của văn hóa đọc lại nằm ở chính vế thứ hai này”.

Theo Oliver Kamm của tờ The Times, “Lược sử ngôn ngữ” đã giải thích rõ ràng các vấn đề phức tạp cho độc giả nói chung và đóng góp những thông tin độc đáo cho giới học thuật nói riêng chỉ bằng một dung lượng vừa phải. Những lập luận được viện dẫn và những hiểu biết được cung cấp đều vô cùng ấn tượng.

VỀ TÁC GIẢ:

Nhà nhân học, ngôn ngữ học người Mỹ Daniel L. Everett (sinh năm 1951) hiện là Giáo sư Khoa học Nhận thức tại Đại học Bentley, Masachusetts. Ông là tác giả của nhiều bài viết và cuốn sách nổi tiếng, trong đó nổi bật nhất là công trình nghiên cứu về người Pirahã và tiếng Pirahã – một tộc người sống tại lưu vực sông Amazon. “Lược sử ngôn ngữ” là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, nghiên cứu, chung sống trong 40 năm trời của Everett với các bộ lạc và ngôn ngữ của họ tại rừng nhiệt đới Amazon, với tư cách là một nhà nhân học.