Bài review của bạn Trần Lan Hương – được đăng tải trên Fanpage Omega Plus Books. Bạn cũng có thể mua sách tại Fanpage trên.
Thông tin sách:
- Bìa cứng
- 992 trang



Review sách Tại Sao Phương Tây Vượt Trội?
Bằng cách đặt ra câu hỏi và trả lời những câu hỏi, tác giả Ian Morris đã thực hiện một chuyến hành trình khám phá xuyên suốt lịch sử loài người từ khi Homo Habilis xuất hiện từ 2,5 triệu năm trước cho đến khi Mỹ trở thành cường quốc và Phương Tây tiếp tục dẫn đầu thế giới.
Ian Morris đã chỉ ra rằng xuất phát điểm của tất cả các chủng người trên thế giới đều giống nhau, ta có cấu tạo sinh học tương tự như nhau và bằng cách nghiên cứu về DNA ty thể của các chủng người còn tồn tại trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được nguồn gốc chung của chúng ta đều bắt đầu từ Châu Phi. Qua đó, tác giả bác bỏ lập luận của các thuyết phân biệt chủng tộc như: Phương Tây vượt trội là vì chủng tộc da trắng từ đầu đã thông minh hơn, thượng đẳng hơn những chủng tộc còn lại. Đồng thời tác giả cũng khẳng định những lý thuyết chốt khóa dài hạn hay những lý thuyết ngẫu nhiên ngắn hạn giải thích về việc phương Tây dẫn đầu là chưa thật sự thuyết phục.
Vậy nếu tất cả Homo Sapiens đều giống nhau, đều bắt đầu từ cùng một xuất phát điểm, đều có sự phát triển xã hội tương đối giống nhau thì tại sao phương Tây lại dẫn đầu mà không phải Phương Đông? Tại sao mốc thời gian phát triển xã hội của Đông-Tây khác nhau? (Phương Tây dẫn trước 2000 năm)

Không thể tìm thấy được câu trả lời rõ ràng từ các nhân vật khác, tác giả đã tự đi tìm và để phục vụ cho việc trả lời câu hỏi của mình, Ian Morris đã kết hợp nhiều công cụ như:
. Sinh học: Loài người và so với các loài động vật khác thì thông minh hơn, tìm tòi nhiều hơn, biết tư duy,… và biết tự điều chỉnh để sinh tồn, phát triển. Phát triển xã hội cũng phụ thuộc vào điều này để đi lên. Mỗi con người thì cơ bản là khác nhau (người này không giống người khác), nhưng nhìn chung, nhìn bao quát hơn thì chúng ta đều cùng là một nhóm người. Vì vậy, nếu sử dụng riêng “sinh học” thì vẫn chưa thể giải thích câu hỏi lớn.
. Xã hội học: Tác giả đã rút ra được một định lý “Sự biến đổi là do con người lười biếng tham lam, sợ hãi đi tìm những phương cách dễ dàng hữu ích và an toàn hơn để thực hiện công việc. Và họ hiếm khi biết mình đang làm gì.” Từ đây, con người tạo ra những phát triển xã hội nhất định, nhưng khi xã hội phát triển thì đồng thời cũng xảy ra sự biến đổi hay còn gọi là nghịch lý của sự phát triển, thông thường là do các “kỹ sĩ Khải Huyền” (nạn đói, bệnh tật, di dân, sự thất bại của nhà nước, biến đổi khí hậu) tạo nên và đôi khi sẽ khiến xã hội sụp đổ. Bằng xã hội học ta chỉ giải thích được phần lớn dạng hình lịch sử, mà chưa giải quyết được vấn đề ở đây là trả lời “Tại sao phương Tây vượt trội?”, khác biệt giữa Đông-Tây cụ thể là gì? Do đâu?
. Địa lý: Từ đây, tác giả bắt đầu chia thế giới thành hai khu vực Đông-Tây khi loài vượn người mới rời Đông Phi để lan tỏa ra khắp nơi. Tập trung vào những so sánh Đông-Tây, tác giả soi chiếu toàn thể khu vực trên thế giới, nhưng để giải thích câu hỏi thì Phương Tây chủ yếu tập trung từ vùng lõi Hilly Frank, đến các thung lũng sông Mesopotamia, Ai Cập và Địa Trung Hải), ở phương Đông từ khu vực sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, Vị Hà), tại sao tác giả chọn nói nhiều về những vùng này trong khi Đông và Tây còn rất nhiều vùng khác? Vì tại các nơi này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được những dấu vết sớm của con người khi bắt đầu chế tạo công cụ, thuần dưỡng cây cỏ,… vì tại những nơi này cuộc sống của con người có những bước phát triển đáng chú ý, những bước phát triển quan trọng của lịch sử loài người,… và tại các vùng này sự khác biệt Đông Tây bắt đầu rõ rệt.
Khác biệt xuất hiện khi các nhà khảo cổ học tìm thấy những vết tích của con người tại Hilly Frank, người cổ đại ở đây đã biết trồng trọt, tích trữ lương thực, tìm đến với thần linh tôn giáo, con người nơi đây từ sớm đã quan tâm đến vấn đề tổ tiên, thừa kế, cùng nhau làm việc trong khi trong khoảng thời gian này ở Phương Đông chỉ tìm được rải rác những công cụ thô sơ. Địa lý ảnh hưởng đến con người, thúc ép họ phải tư duy, phải cải thiện cuộc sống của mình nếu muốn tồn tại, địa lý ưu đãi người Phương Tây hơn về đất đai, khí hậu, sinh vật, tạo cho họ những ưu thế để phát triển khả năng của mình, trong khi cùng thời gian thì ở Phương Đông con người vẫn phải miệt mài đi tìm vùng đất lý tưởng. Vì vậy ta có thể thấy, nếu sinh học và xã hội học trả lời những câu hỏi chung, những tương đồng mang tính toàn cầu thì chính địa lý lại giải thích cho chúng ta biết những khác biệt mang tính khu vực.
Đến các chương tiếp theo, tác giả đi từ 15000 năm trước cho đến thế kỷ XX và cả XXI (qua những dự đoán của mình). Trong quãng thời gian dài đằng đẵng này, con người đã phát triển theo từng ngày, từng giờ, tạo ra từng khác biệt rõ rệt của Đông-Tây. Các đế chế hình thành, trỗi dậy, suy tàn rồi lại tiếp tục hình thành, xã hội của con người có những khoảng thời gian rơi vào thời kỳ đen tối nhưng sau đó nó lại rút ra được những bài học để tiếp tục phát triển. Vì di dân, chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, sự sụp đổ của nhà nước, các vùng lõi chuyển dịch từ vùng này, đến vùng khác, dẫn đến sự thống lĩnh của nhiều quốc gia khác nhau trong từng thời kỳ khác nhau.
Để bám sát vào câu hỏi, tác giả lượng định sự phát triển xã hội qua 4 yếu tố:
- Sự hấp thu năng lượng (nền tảng cho sự phát triển xã hội, đây cũng là yếu tố mà tác giả cho rằng là quan trọng nhất trong 4 yếu tố)
- Đô thị học
- Khả năng xử lý thông tin
- Khả năng gây chiến tranh, hủy hoại.
Ông dựa vào số liệu để lý giải sự chênh lệch Đông-Tây, khoanh vùng khu vực để lấy số liệu chính xác, việc xác định các mốc thời gian để đưa ra con số hợp lý là một vấn đề nan giải, tuy nhiên, tác giả vẫn tìm được cách bằng việc lập các biểu đồ logarit dựa trên sự phát triển của Phương Đông và Phương Tây.
Và qua cách kể chuyện của mình, ông đã giải thích rõ ràng hơn lý do các số liệu ấy xuất hiện, tại sao lại có sự chênh lệch của các con số, tại sao có lúc Phương Đông vượt lên trên phương Tây? Các nhà nước từ xưa được hình thành như thế nào? Những kẻ thông minh hay ngu ngốc nào đã khiến các đế chế, nhà nước ấy sụp đổ? Kết hợp một vài bộ phim giả tưởng, nhiều thật nhiều cuốn sách, và cách so sánh dí dỏm của mình, “thước phim lịch sử” vài trăm trang mà tác giả tạo nên không hề nhàm chán mà rất hấp dẫn, thu hút.
Mình khá thích cách tác giả đặt nghi vấn rồi giải thích tại sao là Columbus chứ không phải Trịnh Hòa tìm ra Châu Mỹ trong khi Trịnh Hòa có một con thuyền lớn hơn, nắm trong tay nhiều thủy thủ hơn, chuyến hải hành của ông có quy mô lớn hơn? Và lý luận của tác giả để chứng minh phát triển xã hội đã dần ảnh hưởng và thay đổi địa lý, vào những thập kỷ tiếp theo, với nguyên tử, nhiệt hạch, với nhiều vũ khí ngày càng cải tiến kèm theo biến đổi khí hậu thì việc một kẻ ngốc có thể phá hủy thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra, thời kỳ hoàng hôn sẽ từ từ buông xuống nếu chúng ta không chạy trước nó.
Ở phía cuối, tác giả tóm tắt lại những yếu tố chính của các chương trước, đưa ra câu trả lời của mình cho câu hỏi tự đặt ra ở trang bìa và chia sẻ thêm về những bất cập, những điều còn chưa thỏa đáng trong cuốn sách.
Đọc “Tại sao phương Tây vượt trội” tôi lại muốn đọc thêm nhiều cuốn sách khác để hiểu rõ hơn về tác phẩm này hay hiểu rõ hơn những vấn đề tác giả Ian Morris đề cập đến. Đây là một số cuốn tôi muốn đọc ngay sau khi khép lại tác phẩm.
Sapiens: Lược sử loài người (Yuval Noah Harari)
Súng, Vi Trùng và Thép (Jared Diamond)
Lịch sử (Herodotus)
Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại (Jack Weatherford)
Những con đường tơ lụa (Peter Frankopan)
Và còn nhiều tác phẩm khác nữa mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách của mình sẽ được tác giả liệt kê ở phần cuối.
Cảm xúc khi đọc của tôi là choáng ngợp vì có rất nhiều thông tin và kiến thức, ban đầu nghĩ là sẽ không hoàn thành, nhưng tôi nhận thấy nếu đọc chú tâm, đọc kỹ thì cũng khá dễ hiểu và cuốn hút vì cách viết của tác giả hấp dẫn. Vì không muốn quá dài dòng nên tôi viết đến đây thôi, cảm ơn mọi người đã đọc bài review này.
FB: Trần Lan Hương
Mời bạn xem thêm:
Review Viên Bổ Mắt Wit Sau 4 Tháng Dùng | Ai Không Nên Dùng?