Nếu bạn đang muốn rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày hoặc đơn giản là muốn tìm lấy một tựa sách hay giữa khu rừng muôn sắc của nền văn học thế giới thì hãy thử bắt đầu với năm tựa sách văn học kinh điển dưới đây. Những tựa sách này đều có sức hấp dẫn lâu bền, được yêu thích bởi hàng triệu độc giả trên khắp toàn cầu trong hàng trăm năm qua, nên bạn không phải nghĩ ngợi nhiều về độ hay của tác phẩm. Chúng rất thích hợp để tạo cảm hứng cho bạn đấy.
Bên dưới bài viết MOT có chèn link Tiki mua sách tương ứng từ các Shop uy tín mà MOT đã từng mua. MOT rất xin lỗi nếu những buttons đó làm giảm trải nghiệm đọc bài của bạn. Nếu có nhu cầu, bạn hãy mua sách chất lượng từ các shop bên dưới. Việc này sẽ giúp bạn mua được sách chất lượng, giá tốt. Đồng thời, việc làm của bạn cũng sẽ giúp MOT có động lực và kinh phí để tiếp tục duy trì website của mình. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã giúp MOT.
1. Review sách Hoàng tử bé
Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince) ra đời vào năm 1943, là sáng tác bất hủ của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry, đến nay đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ trên toàn cầu, trở thành một trong những câu chuyện thơ mộng nhất của nền văn học thế giới. Ngoài ra, quyển sách còn được điểm xuyết bởi minh họa của chính tác giả.

Quyển sách là một câu chuyện buồn man mác, có cốt truyện ngắn và đầy suy nghiệm. Nhân vật chính – hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612. Ở đó có ba ngọn núi lửa và một đóa hồng mà em hằng nâng niu săn sóc. Một hôm em đi chu du tới 6 tinh cầu khác, mỗi tinh cầu đều có một người lớn với cuộc sống đầy nghịch lý: một ông vua không có thần dân, một gã khoác lác chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi, một tên bợm nhậu say xỉn để quên nỗi xấu hổ vì cái nhậu của bản thân, một nhà doanh nghiệp bận rộn mải đếm số ngôi sao trên trời mà ông ta cho rằng thuộc sở hữu của mình, một người miệt mài làm công việc thắp đèn rồi tắt đèn, đến nỗi không có lấy một giây phút nghỉ ngơi, một nhà địa lý chẳng bao giờ rời khỏi cái bàn giấy của mình. Cuối cùng em ghé thăm Trái Đất, đi ngang một vườn hồng và đau đớn nhận ra đóa hồng ở tinh cầu của em chẳng phải là duy nhất trong giống nòi của nàng khắp trong vũ trụ, ở đây có đến năm nghìn đóa giống như nhau, chỉ mới trong mỗi một khu vườn. Nhưng rồi em hiểu ra đóa hồng ấy đã “cảm hóa” em, chính tay em đã chăm tưới, chở che cho nàng, đối với em nàng là duy nhất.
Dung lượng cực ngắn, nội dung nhẹ nhàng thơ mộng của quyển sách sẽ giúp bạn chiến thắng sự nhàm chán và sức ì để đắm chìm vào từng trang của quyển sách. Hoàng tử bé – một trong top 5 quyển sách văn học kinh điển sẽ khơi gợi những tình cảm trong sáng nhất và những điều mà chúng ta từng biết khi là trẻ con nhưng đã phải lãng quên đi để trưởng thành.
Tác phẩm được chuyển ngữ nhiều lần sang tiếng Việt, trong đó hai bản dịch nổi tiếng nhất là của Bùi Giáng và Vĩnh Lạc, đều mang trong mình chất thơ riêng với ngôn từ giàu sức gợi.
2. Review sách Không gia đình
Nếu Hoàng tử bé là tác phẩm chạm đến trái tim thì Không gia đình lại từ câu chuyện về một cậu bé mồ côi khơi dậy nên tình cảm gia đình thiêng liêng, vực dậy tinh thần trước những khó khăn phải đối diện và cũng mở ra trước mắt bạn một thế giới rộng lớn, buộc bạn phải nhìn, phải đi, phải khám phá.
Không gia đình (tiếng Pháp: Sans famille), là tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn Pháp Hector Malot, ra đời năm 1878. Nội dung tác phẩm nhẹ nhàng, dễ đọc, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Không gia đình kể về cậu bé mồ côi Rémi được sống trong tình yêu thương của người má nuôi Barberin. Nhưng tuổi thơ êm đềm không được bao lâu thì Rémi phải theo gánh xiếc rong của cụ Vitalis lang thang khắp mọi miền kiếm sống. Em phải trải qua những ngày đói rét, lao tù, bị chôn trong giếng mỏ nhiều ngày suýt chết nhưng em vẫn lựa chọn cho mình cách sống ngay thẳng và lao động chân chính. Không chỉ lo cho bản thân mình, em còn lo cho cả gánh xiếc, trở thành trưởng đoàn, điểm tựa cho các thành viên khác. Dù sống gian khổ thế nào, em vẫn luôn nghĩ tới gia đình, bè bạn và những người đã từng cưu mang em.
Sách văn học kinh điển Không Gia Đình có nhịp điệu nhanh, phiêu lưu và cuốn hút, là chất xúc tác hoàn hảo cho tinh thần trong những ngày bạn bị “cuộc đời xô ngã”. Hiện tác phẩm có hai bản dịch phổ biến nhất là Vô gia đình của Hà Mai Anh và Không gia đình của Huỳnh Lý.
3. Review sách Những cậu con trai phố Pál
Những cậu con trai phố Pál là tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Hungary Molnár Ferenc, được sáng tác năm 1907, là một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ 7x, 8x Việt Nam. Tác phẩm tuy được viết cho thiếu nhi và kể về thiếu nhi nhưng vẫn đủ sức lay động trái tim của người lớn – những người cũng đã từng một thời bé dại.

Nội dung tác phẩm trong sáng và dung dị nhưng rất cuốn hút, là một bài ca của tình bạn, của sự dũng cảm, ngay thẳng và tình yêu quê hương, đất nước. Những cậu con trai phố Pál là một nhóm những cậu thiếu niên nghịch ngợm, các cậu có cho riêng mình một mảnh đất dịu hiền mang tên Khu đất trống. Nơi ấy trong con mắt người lớn chỉ là miếng đất khô cằn, gồ ghề nằm trong thủ đô, bị thu hẹp bởi hai ngôi nhà cao lớn, nhưng với các cậu đó là “một vùng vô tận, là niềm tự do mà buổi sáng là đồng cỏ châu Mỹ, buổi chiều là bình nguyên Hung trong mưa, là biển mùa đông, là cực Bắc”. Ở nơi đó có trò bắn bi, chơi bóng, đánh trận giả; có pháo đài, hào lũy; có chủ tịch, đại tướng, thượng úy và độc nhất một “chú lính trơn”. Trong cái thế giới mà trẻ thơ nấn ná trên ngưỡng cửa trở thành người lớn ấy, các cậu con trai phố Pál đã chiến đấu với tất cả trí thông minh, lòng dũng cảm, vị tha và ngay thẳng để bảo vệ Khu đất trống khỏi bị xâm chiếm; biến trò chơi con trẻ thành bài học để trưởng thành.
Tiểu thuyết này được chuyển ngữ thành công bởi dịch giả Vũ Ngọc Cân, người mang nặng tình yêu với đất nước và con người Hungary. Bản dịch trìu mến này ắt hẳn sẽ giúp bạn hóa thân vào nhân vật để thỏa trí tưởng tượng đồng thời sống lại tuổi thơ đáng nhớ.
4. Review sách Robinson Crusoe
Robinson Crusoe là tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe, xếp thứ hai trong các tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, chỉ sau Kinh Thánh. Ra đời năm 1719, tức là cách đây hơn 400 năm nhưng đây vẫn là một trong những cuốn sách tạo cảm hứng tốt nhất cho những người trẻ bởi câu chuyện phiêu lưu có một không hai.

Bỗng chốc bị tách khỏi thế giới văn minh, đứt đoạn khát khao phiêu lưu bốn bể, chàng thanh niên Robinson, nạn nhân của một vụ đắm tàu, đã đặt chân lên một hoang đảo, và sống một cuộc đời phi thường. Bằng nghị lực, lòng dũng cảm và trí tuệ, anh đương đầu cùng thổ dân ăn thịt người, chiến đấu với hàng đàn thú dữ, chinh phục tự nhiên để tạo dựng nên “nền văn minh Robinson” tự cung tự cấp: đóng bàn, làm ghế, trồng lúa, may áo, làm gốm, chăn dê… Robinson luôn sống lạc quan với niềm vui thú sáng tạo và trải nghiệm vì với anh mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc phiêu lưu mới.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày xuất bản tác phẩm, công ty Đông A đã cho ra mắt bản dịch mới đầy đủ hai phần của tiểu thuyết kinh điển này. Lần đầu tiên phần II “Kể lại chuyện kỳ thú trong các chuyến du hành qua ba phần địa cầu” được ra mắt bạn đọc Việt Nam.
5. Review sách Anh em nhà Karamazov
Anh em nhà Karamazov là tác phẩm đỉnh cao của đại văn hào Nga Fyodor Dostoevsky, xuất bản năm 1880. Cuốn sách với dung lượng đồ sộ là tinh hoa cả cuộc đời của văn hào, là bức tranh toàn cảnh chứa đựng tất cả những mặt tốt và xấu trong xã hội Nga, văn hóa Nga, con người Nga lúc bấy giờ. Thế nên, khi thưởng thức tác phẩm này, bạn không chỉ được đắm chìm vào những tư duy, triết lý giằng xé bàng bạc trong tác phẩm mà còn như được sống trong một nước Nga nay đã trở thành quá vãng.

Anh em nhà Karamazov kể về một gia đình ngẫu hợp sống trong mối căm hận nhau: một người cha, ba đứa con được thừa nhận và một đứa con hoang – kết quả của việc cưỡng bức một người đàn bà điên. Ở đó ngoài quan hệ huyết thống ra thì không có một nền móng, một mối quan hệ nào níu kéo họ lại với nhau. Những người trong gia đình ấy tha hóa theo những cách khác nhau trong một xã hội hỗn loạn và băng hoại về đạo đức và cuối cùng dẫn đến một vụ án mạng và một phiên tòa bát nháo, oan sai.
Mạch truyện căng thẳng, hồi hộp, khó lòng dứt ra. Truyện không chỉ lên đến cao trào nhờ tình tiết lôi cuốn mà còn nhờ vào những triết lý sâu sắc được cài cắm khéo léo bên trong. Có thể nói câu chuyện là cuộc đấu tranh giằng xé nội tâm của từng nhân vật mà lằn ranh thiện ác không hề dễ dàng và có lẽ cũng không nên phân định rạch ròi.
Tác phẩm được chuyển ngữ thành công qua hai bản dịch của Phạm Mạnh Hùng và Trương Đình Cử, mỗi bản dịch là một sáng tạo riêng của từng dịch giả với lối hành văn gãy gọn, sâu sắc.
Tin rằng tác phẩm này sẽ cuốn bạn theo từng phút, để bạn hồi hộp lật giở hơn nghìn trang sách không ngừng nghỉ, và giúp bạn chiến thắng được nỗi e ngại “độ dày” của các tác phẩm kinh điển nói riêng và sách nói chung.
Qua 5 tựa sách văn học kinh điển này, tin rằng bạn sẽ khơi dậy được niềm vui, hứng khởi và thói quen đọc sách cho mình.
Phối Thi
Mời bạn xem thêm:
Review Viên Bổ Mắt Wit Sau 4 Tháng Dùng | Ai Không Nên Dùng?