Mình ấn tượng tác giả này, mình đọc quyển khắc kỉ mà ông viết trước. Sau đó thì đến quyển này dịch thì mình đã rất muốn đọc. Đến hôm nay mới hoàn thành xong. Cảm giác đọc xong rất đã vì đúng với dòng sách mà mình thích dù có nhiều đoạn tác giả lập luận dài dòng khiến mình mệt nhưng tổng thể rất ok.
Khoảng thời gian trước mình đã có những cú sốc và phải dừng lại để hỏi chính mình liệu cứ đi theo 1 lộ trình được rất nhiều người đồng ý… thì mình có hạnh phúc không? Thêm một chiêm nghiệm của tự thân mình có những thứ mình muốn nhưng đạt rồi nó không đẹp như mình tưởng. Kết quả mình lại như một con thiêu thân để lao vào những cái mà không làm mình hạnh phúc. Vậy rốt cuộc đâu mới là cái đáng mong muốn?
1. Nguồn gốc của ham muốn
Tác giả lí giải dựa trên thuyết tiến hóa. Ham muốn chính là động lực để giúp con người hoạt động tốt. Duy trì sự sống sót, sinh sản là hai mục tiêu lớn lao của tiến hóa. Não trước phát triển đáp ứng thêm chức năng mới nhưng não trung tâm thì vẫn thế. Vì vậy chúng ta vẫn giữ những dấu ấn thuở xưa. Nhờ có ham muốn chúng ta mới có được động lực phát triển đến hôm nay.
Chúng ta không thể chấm dứt được ham muốn. Vì sao? Vì nó lập trình nên bạn. Có nghiên cứu đã chứng minh được khi tổn thương não bộ cảm xúc, chỉ còn lí trí thì chúng ta chả khác nào một người trầm cảm. Lúc này ăn cơm và không ăn cơm cũng như nhau.
Ham muốn được tạo nên bởi cơ chế thưởng phạt. Nói đơn giản bạn muốn ăn cơm vì no bụng cảm thấy dễ chịu hơn là đói. Khi bạn đi ngược lại cơ chế thưởng phạt tự nhiên này bạn phải chịu nỗi đau khổ do sự trừng phạt của cơ chế này. Chúng ta không chỉ ham muốn những nhu cầu căn bản mà còn có những như cầu cao hơn như được tôn trọng, được khẳng định chính mình (giống như tháp nhu cầu của MasLow vậy). Chính vì vậy chúng ra khoe mẽ, chúng ta ganh tỵ vì không bằng người khác. Và điều này càng khiến bạn đau khổ hơn. Bởi bạn chỉ thấy được cuộc đời bạn và bạn hoàn toàn không thấy được sự cố gắng và nỗ lực của người khác.
Khi bạn đạt được cái bạn muốn bạn sẽ chán. Đây gọi là vòng xoáy thích nghi. Nếu bạn chạy theo nó bạn cứ phải tiếp tục tiếp tục, chạy đến khi chết thì thôi.
Chúng ta được lập trình để sống sót và sinh sản, gen nó không lập trình chúng ta để sống 1 đời hạnh phúc. Vô thức của chúng ta nó mạnh mẽ vô cùng. Chúng ta chỉ có thể thỏa hiệp. Đôi khi lí trí và vô thức sẽ có sự đấu tranh ghê ghớm. Điều đó tạo nên những mâu thuẫn nơi bạn. Ví dụ biết là phải tập thể dục để thon gọn nhưng bạn vẫn chọn cách để nằm ì. Vì bộ não nó thích chay lười hơn là vận động. Vì vậy để thay đổi một thói quen bạn cần có một tình yêu đủ lớn với thói quen mới. Có tình yêu với những thói quen tốt trước thì bạn mới có thể tạo nên nó. Lí trí của bạn chỉ là cái phương tiện giúp bạn đạt được cái ham muốn bên trong của bạn. Bạn phải học cách để yêu những cái mà bạn đang có.
2. Cách giải quyết ham muốn
Một là lựa chọn một tôn giáo và tin tuyệt đối vào thế lực siêu nhiên để mong chờ sự cứu rỗi.
Hai là thiết lập lại cơ chế thưởng phạt của chính bạn. Hiểu rõ về việc tạo nên ham muốn bạn sẽ có cái nhìn rất khác.
Ba là tìm đến triết học để có những lời khuyên, biện pháp để chế ngự ham muốn.
Bốn là sống tỉnh thức, đặt ý thức vào từng lựa chọn trong cuộc đời mình.
3. Thứ đọng lại bên trong mình sau khi đọc xong quyển này
Mình đã đọc chủ nghĩa khắc kỉ, Phật, Lão, tối giản. Có một tinh thần xuyên suốt những thứ mình đọc chính là biết đủ. Đôi lúc mình thật sự rất hoang mang trước những gì mà cuộc sống bày biện trước mặt mình. Nhìn về những ham muốn nó cho mình chậm lại, hiểu mình hơn, và yên tâm phần nào thay vì lo sợ về tất cả mọi thứ.
Mình thích sự bình thản xuyên suốt đời mình, một nội tâm an lành, vững chãi. Đấy là mục tiêu đường dài trong cuộc sống của mình. Mình luôn mơ màng đến một ngày một người một ba lô và có thể đi đến bất cứ nơi nào mà mình thích.
Nếu bạn đang loay hoay với ham muốn, muốn hiểu về nó thì nên chọn cuốn này. Đủ đầy ngắn gọn dễ hiểu.
Cám ơn mọi người đã đọc bài mình
Tác giả review: Tiên Hề (Người Đọc Sách)