Tác phẩm đã được đề cử cho Giải Edgar Allan Poe trong thể loại “Tiểu thuyết hay nhất dạng bìa mềm” năm 2018
Bao gồm 5 chương lớn là lời tự sự về cuộc sống của 4 nhân chứng với người mẹ của nạn nhân. Một vụ án xảy ra đã làm cho tất cả những mối quan hệ của những người có liên quan trở nên lay chuyển dữ dội, và mỗi người đều phải nhận rất nhiều bi thảm đến day dứt cho người đọc – Nguyễn Thành Nhân (đọc giả)
“CHUỘC TỘI”: BÓNG TỐI TÂM LÝ GIẾT CHẾT NHỮNG NGƯỜI CÒN SỐNG
Đặt bút viết về một tiểu thuyết trinh thám nhưng Minato Kanae lại không tập trung khắc họa một hiện trường tàn khốc hay ghim chặt trong tâm trí độc giả câu hỏi “Rốt cuộc, hung thủ là ai?”. Những con chữ sống động như phim đã tái hiện cuộc sống như địa ngục của những người ở lại, bao gồm cả bốn nhân chứng – bốn người bạn đã chứng kiến bóng dáng cuối cùng của nạn nhân và người mẹ dằn vặt suốt đời vì mất con. Lật giở từng trang sách qua sáu chương, Minato Kanae vừa vén màn về cái chết của cô bé Emily, vừa phơi bày trước mắt người đọc chân dung hung thủ đã giết chết những nhân chứng còn sống trở về – tâm lý.
Bối cảnh của “Chuộc tội” là một vụ án mạng hiếp giết dã man và nạn nhân là cô bé Emily mới tròn 10 tuổi trong buổi chiều của ngày lễ Obon truyền thống tại một vùng quê được mệnh danh là trong lành và bình yên nhất Nhật Bản. Những người bạn còn có cơ hội trở về của Emily nghiễm nhiên trở thành những nhân chứng quan trọng của vụ án. Thế nhưng, một loạt những lời khai như thể thống nhất “Không nhớ rõ mặt hung thủ” đã khiến cuộc điều tra rơi vào bế tắc. Và, cũng như mọi cơn sóng cuộn trào lên rồi sẽ lại tan ra và lẫn vào biển cả, vụ án rúng động thị trấn nhỏ bình yên cũng dần bị lãng quên, chỉ có cơn sóng giận dữ, uất ức và phẫn nộ trong lòng người mẹ mất con là không bao giờ tan vỡ. Nỗi đau hóa thành sự căm hận để rồi những lời nói của cô Asako – mẹ của nạn nhân như biến thành những lưỡi dao kề sát vào cổ bốn đứa trẻ từ khi 10 tuổi cho đến mãi mãi về sau
“ Hãy tìm ra hung thủ trước khi quá thời hạn khởi tố. Nếu không làm được điều đó, hãy tìm ra cách chuộc tội khiến tao có thể chấp nhận. Còn nếu không làm được một trong hai điều trên tao sẽ trả thù chúng mày”
Phải chứng kiến vụ án tàn khốc và những kí ức, cảm giác kinh hoàng khi thực hiện những trọng trách trong buổi chiều hôm ấy, đối với bốn đứa trẻ mà nói đã là những cú sốc tâm lý khủng khiếp. Nhưng, từ một câu nói là sự vỡ òa của uất hận, bốn đứa trẻ đã mang theo nó như một lời hứa, lời đe dọa và sống dằn vặt như thể mình chính là hung thủ giết chết Emily. Bốn đứa trẻ – bốn số phận – bốn tấn bi kịch nghiệt ngã sẽ khiến người đọc phải tức giận, thương xót, bàng hoàng và thậm chí là không còn gì để nói.
Khi gấp cuốn sách này lại, dù là 2 tuần hay 2 tháng đã trôi qua, mình – người miệt mài đọc cuốn sách trong một ngày một đêm vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi nó. Những con chữ, giọng văn của Minato Kanae là văn nhưng không phải văn. Mình như nhìn thấy bốn nhân chứng đứng trước mặt mình và kể về cuộc đời của họ, bằng giọng nói của họ, bằng cảm xúc của họ. Mình đã đọc những cuốn sách trinh thám sởn tóc gáy như “Mười tội ác” nhưng chưa cuốn sách nào làm mình phải khóc, phải bàng hoàng đến lặng người, thậm chí phải nghỉ ngơi để tâm trí khỏi sốc trước những “nhát dao tâm lý” của tác giả. Khi con chữ cuối cùng ở trong tầm mắt, mình phẫn nộ trước kẻ đã giết Emily nhưng cũng ghê sợ thứ gọi là “Bóng tối tâm lý” vì nó ngang nhiên và tàn bạo tra tấn rồi giết chết cuộc đời của bốn cô bé sống sót trở về.
Dương Trần Kim