- Tìm cách khắc phục việc bị cảm tính chi phối mỗi khi “sắp” quát mắng (hoặc đánh đòn) con;
- Giải đáp những câu hỏi thường xuyên như “Chuyện này là như thế nào?”, “Mình làm thế có đúng không?”,;
- Truyền đạt cực kỳ cụ thể những cách thức và quy tắc đưa trẻ vào khuôn khổ kỷ luật tích cực.
- Chương 1: Nuôi dạy trẻ là vòng tuần hoàn của niềm vui và sự tự chán ghét bản thân
- Chương 2: Phương pháp để không trở nên cảm tính (phần cơ bản)
- Chương 3: “Giáo dục” là gì?
- Chương 4: Phương pháp để không trở nên cảm tính (phần áp dụng cho từng tình huống)
- Chương 5: Hạnh phúc của cha mẹ gắn liền với hạnh phúc của con trẻ
Phải được ăn, ngủ, nghỉ, đi vệ sinh mới là con người chứ”. Đọc xong câu này ở những trang cuối cùng của quyển này nó khiến mình cười khì. Đây là nhu cầu của một em bé và cũng là của mình😂. Ra là mình đã làm mọi thứ quá phức tạp.
Mình biết rằng rồi một ngày mình sẽ đọc sách bầu và dạy con thôi. Cuối cùng ngày này đã đến. Mình đọc quyển này cực nhanh vì nó quá gần với mình. Cho con ti, con ngủ, bỏ con xuống, con thức, lại tiếp tục cho con ti, rồi con lại ngủ, xong rồi lại thức. Sài Gòn gần đây với mình có những đêm trắng như thế. Việc mất ngủ đã khiến mình gào lên với một đứa trẻ chưa đầy một tháng, gào lên xong rồi thì năn nỉ “Nghé ơi cho mẹ ngủ xíu đi, một tiếng cũng được”, Và cũng có phút giây hối hận khi quát con, quạu chồng. Gặp lại một quy trình y chang trong những trang đầu của sách.
Mình đã mắc đủ thứ lỗi. Mình muốn con mình là một đứa trẻ ngoan. Ngoan theo cái ý mình muốn. Khi không đúng thì mình lại cáu gắt bực dọc, gào rú…haiz. Thật sự mình đã không hề muốn như thế, mình đã khao khát dạy con bằng sự trìu mến, thấu hiểu, tỉnh thức. Thực tế luôn phũ phàng. Mìn biết ngoài kia cũng có nhiều cha mẹ như thế, muốn con ngoan nhưng thật sự là muốn con phục tùng theo ý chí của mình, muốn sự tiện lợi cho mình. Sự cảm tính đôi lần sẽ làm nên những sai lầm khó sửa. Sách chỉ ra phàn này và những cách để bố mẹ cân bằng lại cảm xúc của chính mình. Con cái do bạn đem đến, chúng thật sự không phải là nguồn cơn khiến bạn giận dữ và trút lên. Chúng không có nghĩa vụ phải chịu đựng điều đó. Câu mà mình vẫn thấy day dứt khi nói với con mình: “Ngủ đi để mẹ có thời gian”. 😥
Con bắt đầu khám phá thế giới, không khỏi bỡ ngỡ. Mỗi một bé là một cách riêng biệt, lũ nhỏ ấy có đủ thứ trò, và chúng cần học, cần được giám sát, chúng cần những người khổng lồ kiên nhẫn với người tí hon như chúng. Giận dữ, quát mắng là nhất thời nhưng nỗi đau sự ám ảnh của con là mãi mãi. Chính cách dạy sai, những cảm xúc sai nó sẽ kéo theo cả một cuộc đời sai. Phần này tác giả viết rất kĩ, bày từng cách để cha mẹ và con hiểu nhau hơn. Cần phải thật chậm thật chậm để con hiểu, để con thích nghi và để con sáng tạo. Đưa ra cho con những quy tắc, kỷ luật, dạy từng tí từng tí để con ghép lại và thực hành.
Khi bạn có con mọi thứ sẽ thay đổi như bước sang hẳn một cuộc đời khác. Cha và mẹ cần sự sẻ chia đồng hành thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Đặc biệt là trong thời gian ở cử đầy khó khăn. Việc nhà, chăm con, không đi làm, thời gian nghỉ ngơi lại ít, ba phải làm nhiều hơn để đảm bảo về kinh tế… những khía cạnh này đều được nói đến chân thành trong sách. Nhưng rắc rối rồi sẽ qua khi bạn biết cách cân bằng. Cách tốt nhất là hãy nghĩ đến lí do bắt đầu, lí do để bạn có con, và ước muốn thật sự bạn muốn dạy con mình thành một người có tính cách thế nào.
Con học cách để lớn và mình cũng học cách làm mẹ. Thật sự đều rất khó khăn, cần cố gắng và kiên trì. Thật sự cám ơn quyển sách rất kịp lúc để mình nhìn lại chính mình.
Nguồn: Tiên Hề – Nhóm: Người Đọc Sách