05 lý do khiến bạn mãi không thể trở nên giàu có!
NGUYÊN NHÂN THỨ NHẤT: không có quan niệm quản lí tài chính đúng đắn
Chúng ta thường mặc nhiên cho rằng nghèo là vì không có tiền, mà quên mất rằng còn vì không có quan niệm quản lí tài chính đúng đắn nữa. Đem nguyên nhân dẫn đến nghèo khó quy hết cho việc không có tiền là chúng ta đang đơn giản hóa vấn đề và đã bỏ qua vấn đề mấu chốt dẫn đến việc chúng ta nghèo.
Một người thích tiêu tiền và một người dành dụm tiền thường dễ sinh ra mâu thuẫn; một người quen đầu tư để kiếm tiền và một người quen đi làm thuê để kiếm tiền cũng dễ sinh ra tranh cãi.
Đây chính là xung đột do quan niệm quản lí tài chính khác nhau đem lại. Có người nói rằng: “Đây chẳng qua là chuyện tiền nhiều tiền ít mà thôi. Nếu tiền đủ nhiều rồi thì bất kể người đó có quan niệm quản lí tài chính như thế nào cũng đều có thể cảm thấy thỏa mãn, như vậy thì lấy đâu ra chuyện xung đột với cả tranh cãi nữa?”. Nhưng trên thực tế, chuyện nào có đơn giản như vậy! Bởi vì biết bao nhiêu tiền mới tính là đủ nhiều? Có những người có hàng chục tỉ đô mà cuối cùng vẫn đi đến phá sản, chuyện này là vì cớ gì? Trên thực tế, vấn đề nằm ở trong quan niệm quản lí tài chính của người đó chứ không nằm ở chỗ người đó có bao nhiêu tiền.
Thực tiễn quản lí tài chính cho thấy, có nhiều tiền không giúp giải quyết tồn tại của việc có quan niệm quản lí tài chính sai lầm. Ngược lại, có nhiều tiền chỉ khiến vấn đề không có quan niệm quản lí tài chính đúng đắn bị che lấp, cuối cùng là khiến người ta xem nhẹ tính nghiêm trọng của nó.
Câu trả lời ở đây chính là hãy bắt đầu từ việc cải thiện quan niệm quản lí tài chính của bản thân, học hỏi và cập nhật quan niệm quản lí tài chính tiên tiến. Nếu nói nguyên nhân khiến chúng ta nghèo khó là bởi chúng ta không có tiền thì nguyên nhân khiến chúng ta không có tiền lại có liên quan rất lớn đến việc chúng ta có quan niệm quản lí tài chính như thế nào. Hãy nhớ kĩ rằng, có quan niệm quản lí tài chính đúng đắn mới là cách bảo đảm lâu dài cho sự giàu có.
NGUYÊN NHÂN THỨ HAI: có nhận thức sai lầm về tiền bạc
Trong cuộc sống đời thường, có không ít người rất giỏi kiếm tiền và cũng rất có ý thức quản lí tài chính, nhưng họ lại thường rơi vào khủng hoảng tài chính. Lúc bình thường, họ rất có tiền, mức sống cũng rất cao, nhưng một khi gặp chuyện cần đến tiền lại không xoay đâu ra tiền.
Thoạt nhìn, có vẻ như đây là chuyện họ không biết gom góp tiền, thật ra chuyện này không đơn giản như vậy.
Anh Kim là một người như thế, anh rất giỏi nghiệp vụ, cho nên thu nhập của anh ở mức tương đối cao, chỉ là đi làm đã 8 năm nay, anh vẫn chẳng để dành ra được đồng nào. Mỗi khi kiếm được một khoản tiền, anh liền muốn nghỉ làm, đợi khi tiêu hết sạch số tiền đã kiếm, anh mới có động lực đi làm trở lại. Vì sao lại như vậy?
Khi bạn hỏi anh Kim xem anh ấy nghĩ gì về tiền, anh ấy sẽ trả lời bạn thế này: “Kiếm tiền thì kiếm đến bao nhiêu mới được? Tiền đủ dùng là được rồi. Vậy nên hùng hục kiếm tiền mà làm gì?Làm nhiều chỉ tổ hại thân, chẳng đáng!”. Kết quả, anh Kim chẳng bao giờ có tiền để dành.
Thực ra mà nói, năng lực kiếm tiền của anh Kim rất mạnh, nhưng anh ấy lại lười kiếm tiền. Mỗi khi kiếm được một khoản tiền, anh ấy sẽ nhanh chóng “giải ngân” cho hết. Có thể thấy rằng, trong quan niệm của anh Kim, kiếm tiền và hi sinh sức khỏe là hai mặt của cùng một vấn đề, cho nên trong tiềm thức, anh ấy không muốn lao vào kiếm tiền. Do đó, nguyên nhân khiến anh Kim không giàu không phải vì anh ấy lười nhác, cũng không phải vì anh ấy không biết giữ tiền, mà là nhận thức về tiền bạc của anh ấy có vấn đề.
Chính vì vậy, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề tiền bạc. Muốn thực sự có tiền, bạn phải thực sự thích tiền.
NGUYÊN NHÂN THỨ BA: động cơ làm giàu không trong sáng
Có một số người có động cơ làm giàu thiếu trong sáng, cuối cùng rơi vào cảnh cùng quẫn. Do đó, cũng ta rất cần cảnh giác, kịp thời kiểm điểm lại xem động cơ kiếm tiền của chúng ta có vấn đề gì hay không. Cố gắng đừng vì làm giàu mà bước chân vào con đường sai trái. Khi gặp chuyện không may, đừng vội đem vấn đề quy kết cho sự giàu có mà hãy tập trung xem xét bản thân vấn đề.
Tốt nhất chúng ta nên tự vấn bản thân: Động cơ quản lí tài chính của mình là gì? Hết sức đi sâu khám phá tầng diện tâm lí, như vậy mới có thể nhìn thấu động cơ thực sự của việc làm giàu của mình. Đừng đem sự giàu có và tâm lí tiêu cực buộc lại với nhau. Giàu có là giàu có mà thôi, nó không phải linh đan diệu dược để điều trị các vấn đề tâm lí tiêu cực. Nhận thức rõ điều này, không những có thể giúp chúng ta vững bước trên con đường làm giàu mà còn có thể giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, khiến thân tâm chúng ta càng thêm khỏe mạnh.
NGUYÊN NHÂN THỨ TƯ: không chịu thay đổi bản thân
Trong cuộc sống đời thường, có rất nhiều người không muốn thay đổi bản thân, ngay cả khi bản thân họ đang chìm sâu trong cảnh nghèo khó. Lại có một số người khi bản thân rơi vào khủng hoảng tài chính, rõ ràng biết công tác quản lí tài chính của bản thân có vấn đề, mà cố tình không muốn sửa đổi. Giống như có một số người rõ ràng họ biết bản thân làm thế là sai nhưng lại cố chấp không chịu nhận sai và sửa sai.
Có rất nhiều người khi phải đưa ra quyết sách thường bị chi phối bởi chi phí chìm, bởi vì họ không muốn mất đi khoản đầu tư trước đó đã bỏ ra mà cứ theo đuổi mãi một vụ đầu tư sai lầm, cuối cùng rơi vào vực thẳm của phá sản.
Giả sử như hành vi quản lí tài chính của bạn chưa đúng đắn hoặc chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, bạn có bằng lòng sửa đổi nó không? Nếu cổ phiếu bạn đang “ôm” không được như kì vọng ban đầu, bạn có sẵn lòng bán nó đi để cắt lỗ không?
Cho nên chúng ta, nhất là những “nhà đầu tư” tay mơ, cần phải hết sức cảnh giác trước loại tình huống này, tránh “càng đi càng sai”.
NGUYÊN NHÂN THỨ NĂM: không có hành động thiết thực
Trong cuộc sống đời thường, ai ai cũng muốn bản thân trở nên giàu có, mà người thực sự bắt tay hành động để trở nên giàu có lại chẳng được mấy ai. Chúng ta thường hay nghe mọi người nói về ước mơ của họ, ví như: “Tôi muốn chăm chỉ làm việc đặng nhanh được thăng chức và tăng lương”; “Tôi muốn mở một quán ăn và làm nó phát triển thành nhà hàng lớn”; “Tôi muốn…” Nói thì rất đanh thép, nhưng lại không có hành động đi kèm để hiện thực hóa ước mơ, như vậy ước mơ có thể biến thành sự thật được hay sao? Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải định ra một kế hoạch quản lí tài chính tương ứng và có hành động thiết thực để thực hiện kế hoạch đã đặt ra.
Tư duy có thể định hướng hành động, nhưng chỉ có tư duy mà không có hành động thì mọi sự chỉ là “bánh vẽ” mà thôi.
Nguyễn Minh Châu