Lâu lắm rồi mình mới đọc được một cuốn sách lôi cuốn và khiến mình tò mò dõi theo đến tận trang cuối cùng. Mình cảm nhận được rõ ràng sức hấp dẫn của cuốn này so với các cuốn trinh thám khác đã đọc, đến từ mọi khía cạnh: cách tiếp cận câu chuyện, cách xây dựng plot twist và hơn cả là những vấn đề mang tính xã hội mà tác giả muốn gửi đến người đọc.

THÚ TỘI – MINATO KANAE

Điều đầu tiên mình ấn tượng đó là phương thức kể chuyện mới lạ ít dùng trong tiểu thuyết thông thường. Lối viết thông thường ở đây mình dựa trên những cuốn trinh thám mình đã từng đọc:

(1) mở đầu bằng việc nhân vật phát hiện vụ án,

(2) dẫn dắt người đọc với các manh mối và khai mở dần thủ pháp của kẻ thủ ác và

(3) hung thủ bị bắt, làm rõ động cơ (hoặc đảo ngược bước 2 và 3 như Higashino Keigo đã làm trong cuốn Phía sau nghi can X).

Sự việc chính xuyên suốt truyện là cái chết của một bé gái 4 tuổi con một giáo viên cấp 2, và tiếp nối là kế hoạch trả thù của người mẹ đối với thủ phạm của vụ việc.

Với 6 chương, người đọc tìm hiểu và dõi theo sự việc chính đó theo sáu điểm nhìn khác nhau của những nhân vật trong truyện (mẹ của nạn nhân, thủ phạm, gia đình của thủ phạm, bạn bè của thủ phạm), theo trình tự thời gian trước, trong và sau vụ việc.

Cách kể chuyện này gợi mình nhớ tới bộ phim điện ảnh khiến mình từng rất thích thú “Flipped”, khi mà cũng thuật lại những sự kiện giống nhau nhưng từ góc nhìn của 2 nhân vật chính. Thủ pháp này khiến người đọc ghi nhớ dễ dàng các tình tiết của vụ việc mà không phải lật giở lại liên tục các trang sách trước để suy ngẫm, lý giải; mặt khác vẫn giữ được sự hấp dẫn của câu chuyện do người đọc có được trải nghiệm hoàn toàn mới sau mỗi chương khi đặt mình ở một nhân vật khác, một góc nhìn khác.

Mỗi chương truyện đều được đẩy lên kịch tính cho đến khi kết thúc, và mỗi chương tác giả lại mở ra thêm những tình tiết mới lôi kéo người đọc phải không ngừng tiếp tục, trước khi xoay chuyển với cú plot twist cuối cùng. Phải nói là cảm giác đọc xong truyện rất “đã”, vì thấy mọi thứ đều đơn giản mà rất logic, cái kết nghẹt thở và thích đáng đổi với các nhân vật. Nếu đánh giá plot twist của Phía sau nghi can X đã là “đỉnh”, thì Thú tội chắc chắn phải là “đỉnh của đỉnh”.

Tuy nhiên, mình nghĩ thứ mà tác giả mong muốn nhất khi chọn cách thể hiện như trên đó là để truyền tải một cách tốt nhất những thông điệp của mình. Hiếm có một cuốn truyện trinh thám ngoài việc thỏa mãn trí tò mò của độc giả lại có thể đưa đến nhiều vấn đề khiến họ phải suy ngẫm đến vậy, ở đây tập trung vào chuẩn mực của đạo đức, tâm lý bất ổn của trẻ vị thành niên kèm theo vai trò của gia đình.

Đọc xong cuốn sách, mình thấy thật sự may mắn khi đã trải qua tuổi trưởng thành trong yên bình, và tự hỏi không biết ngày đó các bạn/các em mình có ai đã từng có những suy nghĩ bất ổn như những em học sinh trong truyện. Hóa ra khao khát được khẳng định bản thân của tuổi vị thành niên lại mạnh mẽ đến thế, và nếu như tâm lý của các em không vững vàng, gia đình và xã hội (mà quan trọng nhất là nhà trường) không nhìn nhận được tầm quan trọng của giai đoạn này mà ở bên hỗ trợ các em đúng cách, thì những bi kịch như trong truyện hoàn toàn có thể xảy ra. Đọc truyện, mình lại liên tưởng đến những kiến thức thu thập được khi xem phim về những chuyên gia phân tích tội phạm (“profiler”).

Trên thực tế họ đã ghi nhận rất nhiều tội phạm giết người hàng loạt chịu tổn thương từ khi còn nhỏ, khởi nguồn từ gia đình, trường học, môi trường sống xung quanh. Đương nhiên không phải ai chịu tổn thương cũng trở thành tội phạm, nhưng không thể phủ nhận rằng những tổn thương tâm lý thời thơ ấu/vị thành niên có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách, đạo đức của một con người.

Nếu như những người lớn trong truyện có những hành động khác đi thì liệu bi kịch có xảy ra hay không?

Truyện chỉ đề cập đến những sai lầm của người mẹ làm ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ: vì mải mê theo đuổi hoài bão và hạnh phúc cá nhân mà bỏ rơi con, vì cố chấp cho rằng phương pháp giáo dục của mình là đúng, vì quá tin tưởng con. Không rõ có phải do quan điểm văn hóa, khi ở Nhật họ coi trọng việc dạy dỗ con cái của người phụ nữ trong gia đình, tuy nhiên nhìn rộng ra, có thể thấy được rằng nguyên nhân không chỉ đến từ những người mẹ.

Đó là những người bố sống cùng nhà nhưng lại thờ ơ không hề biết gì vì mải lo kiếm tiền, đó là những người giáo viên chỉ hô hào là quan tâm đến học sinh nhưng thực chất không có phương pháp tiếp cận đúng đắn. Trên tất cả, là việc chuẩn mực đạo đức đã bị bóp méo và sai lệch kể từ những người lớn. Việc trả thù của cô giáo Moriguchi là hợp lý khi đứng trên góc độ là một người mẹ mất con, nhưng không đúng nếu xét về khía cạnh đạo đức của một người làm nghề giáo, một con người. Nếu nói bản thân các em học sinh và gia đình là những đốm lửa nhen nhóm cho bi kịch của họ, thì những hành động của cô giáo Moriguchi xuất phát từ lòng hận thù là ngọn gió thổi bùng cho ngọn lửa đó bùng cháy, thiêu rụi tất cả…

Dư âm của cuốn sách chắc chắn sẽ còn mãi kể cả khi đã gấp sách lại, vì cho đến tận trang cuối cùng, khi đã lên đến đỉnh điểm của cuộc trả thù, người đọc vẫn không khỏi băn khoăn giữa đúng và sai, giữa thực tế và kỳ vọng. Liệu cái kết này có phải là cái kết happy ending, là tiền đề để các nhân vật nhận ra lỗi lầm và có thể “tái sinh” – theo như cách nói của cô Moriguchi – hay không?

(Ảnh: sưu tầm)

Tác giả review: Thiên Trang Trần – Nhã Nam reading club

Link Tiki

Link Shopee

Sách THÚ TỘI – MINATO KANAE PDF: