Review nhanh:
Cuốn sách “Về Pháp Quyền” giải thích rằng pháp luật là cơ chế quy định các quy trình, thể chế, quy định ủng hộ cho sự bình đẳng của tất cả công dân trước pháp luật và ngăn chặn sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Nhà nước pháp quyền đảm bảo tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội và xét xử công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi quyền lực hay tiền bạc của bất cứ thế lực nào. Bìa sách có hình ảnh nữ thần Công Lý, tượng trưng cho tính nghiêm minh, độc lập, và công bằng trong hệ thống tư pháp. Cuốn sách này không chỉ là một học thuyết pháp lý khô cứng mà còn là nền tảng của một xã hội công bằng và thịnh vượng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đưa ra những phương tiện tốt nhất để đảm bảo hòa bình và hợp tác. Cuốn sách này cũng đưa ra các điều kiện để nắm bắt bản chất của pháp quyền và thảo luận về căng thẳng áp đặt lên pháp quyền trong thời gian gần đây.
Nội dung chính:
“Pháp Quyền là một thuật ngữ được sử dụng nhiều nhưng ít được kiểm tra.”
Chúng ta thường nghe qua “Nhà nước chúng ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” hay “Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật” vậy chính xác “Pháp Quyền” là gì và như thế nào là nhà nước pháp quyển?
Nhà Nước Pháp Quyền là Nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, định nghĩa của Bách khoa toàn thư Britannica ghi rằng “Pháp quyền là cơ chế, quy trình, thể chế, thông lệ hoặc quy phạm ủng hộ sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, đảm bảo một hình thức chính phủ không toàn quyền quyết định và nói chung là ngăn chặn việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện”
Bức tranh trên bìa sách phản ánh rất rõ ý chí của pháp luật, đó là hình ảnh của nữ thần Công Lý mà ở Hy Lạp gọi là Themis còn Ai Cập gọi là nữ thần Isis (nghe hơi giống tên nhà nước Hồi Giáo cực đoan nha) – vị nữ thần một tay cầm thanh gươm, tay còn lại cầm chiếc cân còn đôi mắt được che đi bởi chiếc khăn bịt mắt, tất cả điều đó đều phản ánh tư tưởng Luật Pháp, đó là sự mềm mại nhưng đầy quyền uy, tính nghiêm minh, và sự độc lập chính xác trong phán xử của hệ thống tư pháp, đôi mắt mù lòa đó không thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng quyền lực hay tiền bạc của bất cứ thế lực nào, dù bạn có là một người có dư dả đến đâu hoặc dưới đáy xã hội – thì đều được xét xử công bằng trước pháp luật..
![[Review nhanh] Sách Về Pháp Quyền](https://motreview.com.vn/wp-content/uploads/2023/05/ve-phap-quyen.png)
Trong cuốn sách Về Pháp Quyền khá ngắn gọn nhưng đầy xuất sắc này, Thomas Bingham, cựu thẩm phán tối cao thuộc Tòa Án Thượng Viện Anh- người được xem là một trong hai thẩm phán vĩ đại nhất thế kỷ XX của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland,.đã “mổ xẻ” khái niệm Pháp Quyền một cách tỉ mỉ và cẩn thận. Ông tâm niệm rằng Pháp Quyền không phải là một học thuyết pháp lý khô cằn mà đó là nền tảng của một xã hội công bằng và thịnh vượng, là sự đảm bảo của chính phủ có trách nhiệm, là một đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và đưa ra những phương tiện tốt nhất để đảm bảo hòa bình và hợp tác.
Trước hết ông xem xét ngắn gọn nguồn gốc lịch sử của quy tắc, đồng thời đưa ra tám điều kiện nắm bắt bản chất của nó như được hiểu trong các nền dân chủ phương Tây ngày nay. Ông cũng thảo luận về những căng thẳng áp đặt lên pháp quyền bởi mối đe dọa và kinh nghiệm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cuốn sách sẽ có ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và sẽ trở thành văn bản quan trọng cho bất kỳ ai quan tâm đến chính trị, xã hội và tình trạng của thế giới chúng ta.
Pháp quyền – nếu nói một chút khoa trương thì đó là biểu hiện cao nhất của tinh thần pháp luật. Trước đây hàng trăm năm, pháp viện luôn phải luồn cúi dưới sức mạnh chuyên chế, như nhà vua hay lãnh chúa, nó không được ban đầy đủ sức mạnh để trở thành một tiêu chuẩn chung cho toàn xã hội, vì vẫn tồn tại vùng cấm, vùng ngoại lệ dành cho bộ phận cai trị, hoặc là nó không thể soi sáng bên dưới vũng bùn, nơi chỉ dành cho người da đen, hoặc nô lệ – những cá thể mang hình hài con người nhưng lại không được công nhận điều đó – ở nơi đó có pháp luật – nhưng chưa có pháp quyền . Pháp quyền chỉ sinh ra khi nhà nước ban đầy đủ sức mạnh tối thượng cho Pháp Luật – tất cả mọi người đều được bảo vệ và phán xét trước pháp luật – tất cả và như nhau, tất nhiên sẽ có một vài ngoại lệ đặc thù, nhưng được ghi chép rõ ràng trong văn bản chứ không phải là quyết định hoàn toàn tùy nghi như Pháp Viện Tinh Tú ở Rome trước kia.
“…Cốt lõi của pháp quyền là mọi người và mọi chủ thể quyền lực tại một quốc gia, dù công hay tư, đều bị ràng buộc và hưởng lợi từ các quy tắc pháp lý được tạo lập công khai, có hiệu lực chung trong tương lai và phải được các tòa án áp dụng công khai”.
“Thành Rome không thể xây dựng trong một ngày” và pháp quyền không thể khai sinh chỉ trong một đêm – đó là cả một sự đấu tranh lâu dài và không ngừng nghỉ của những tư tưởng cấp tiến, vì một tương lại công bằng và tự do hơn- mà đại hiến chương Magna Carta – đóng những chiếc đinh đầu tiên đóng lên quan tài của chế độ chuyên chế độc quyền
Người ta vẫn hay nói rằng, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”, có một cách hiểu lưới trời ở đây là Công Lý, Công Bằng, mà sự phán xét công lý đó thường đến từ các Tòa Án, lưới trời chính là các điều luật của sự công bằng đó, tất nhiên sẽ không có 1 điều luật nào áp dụng chính xác cho một vụ án cụ thể, mà chúng ta chỉ có những điều lệ phổ quát nhất, còn việc áp dụng đằng sau thì lại tùy thuộc vào trình độ khả năng của luật sư, công tố và quan tòa, cho nên nói “lưới thưa” là vì thế..
Một minh chứng sắc nét cho sức mạnh của Pháp quyền là vụ án dẫn độ Tống Văn Sơ ( Bác Hồ) từ HongKong về Việt Nam, trước đây Bác đã bị tuyên án tử hình vắng mặt tại tòa án Vinh, thế nên nếu không có sức mạnh pháp quyền bảo vệ, rất có thể lịch sử chúng ta đã khác, trong vụ kiện này thì HongKong và Đông Dương không hề có hiệp ước dẫn độ (một bên thuộc địa Anh, bên còn lại là Pháp), hơn nữa nó vi phạm vào 1 trong nguyên tắc quan trọng nhất của Pháp Quyền là Trát Bảo Thân (Habeas corpus) – “anh không thể bị giam giữ bất hợp pháp nếu Tòa Án chưa xét xử hoặc xét xử vô tội” (Bác không hề vi phạm tại HK)
Bởi lẽ suy cho cùng được “xét xử công bằng cũng cho thấy một sự tin tưởng tuyệt đối rằng công lý sẽ chỉ được đảm bảo bởi một hệ thống pháp luật tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của pháp quyền “
Ngày nay nguyên tắc pháp quyền là một nguyên tắc quan trọng và phổ quát trên bình diện quốc gia, cho dù nhà nước đó vẫn tồn tại chế độ hoàng gia như Anh, Nhật, hay Thái Lan..hay là sự khác biệt về chế độ thì tinh thần thượng tôn pháp luật đó vẫn không thay đổi, tuy nhiên vẫn còn ít nhiều quốc gia chậm phát triển vẫn còn những góc khuất tăm tối, có lẽ ho vẫn chưa cảm nhận được Pháp quyền, hoặc chưa hề nghe thấy cụm từ này.
Trên góc độ quốc tế – những vấn đề như chiến tranh xâm lược, dòng người tị nạn, theo dõi và giám sát người dân, giam giữ không qua xét xử, dẫn độ bất thường hay tra tấn nghi phạm khủng bố đều đặt ra nhiều câu hỏi khó có lời giải thoả đáng đối với việc bảo vệ nhân quyền. Thậm chí tồi tệ hơn, những nước lớn còn có thể bẻ cong khái niệm nhân quyền để áp đặt vào đất nước nhỏ, hoặc vin vào đó để tiến hành tấn công một đất nước khác, bởi đơn cử như Liên minh châu âu thì ở từng nước đã có sự khác biệt về các vấn đề pháp luật và pháp quyền thì một liên minh quốc tế với gần 200 quốc gia rất khó tìm được một đáp án chung về Pháp quyền – đây cũng là trăn trở và thách thức mà cho đến nay vẫn không ngừng xoay vần theo những chặng đường mới của nhân loại- ít nhất là trong tương lai gần!
“Ngay khi con người quyết định rằng họ được phép dùng mọi phương tiện để chống lại một cái ác, thì họ không còn phân biệt được cái thiện với cái ác mà họ muốn diệt trừ nữa” – Dawson.
Bên cạnh đó, mình vẫn có chút lo lắng về nhận thức pháp luật của chúng ta, Pháp luật nên là kiến thức nền tảng cho mỗi người dân, nói là nền tảng bởi vì đây là một quyền lợi thiết yếu để bảo vệ nhân thân đồng thời là điều kiện để họ có thể hiểu họ có những quyền gì, trách nhiệm gì trước pháp luật, đây là một điểm yếu mà nền giáo dục hiện nay gặp phải, thậm chí ở một vài góc độ nào đó, luật pháp lẻn lỏi đến tận cùng ngõ hẻm mà bạn k hay, trước đây có một vài hành vi được xem là bình thường về hoạt động sư phạm hoặc là giao tiếp bình thường thì ngày nay điều đó bị coi là bạo lực học đường hoặc quấy rối tình dục, chúng ta rất khó có thể nói đó là một tiến bộ xã hội hay là dân chủ thái quá, nhưng rõ ràng pháp luật luôn cố gắng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống ( và vừa rồi tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng sửa đổi đạo luật liên quan đến sử dụng súng đạn, đây là điều phức tạp mà nhiều vị tổng thống cố gắng thay đổi nhưng không thành công, bởi nó liên quan đến những đạo luật cơ bản nhất tại Mỹ, rõ ràng một người sử hữu súng đạn được xếp vào cá nhân có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội cao hơn rất nhiều so với người không sở hữu, đây là thực tế gây nhức nhối rất nhiều cho xã hội Mỹ ngày nay )
Về Pháp Quyền là một trong gương mặt xuất sắc của tủ sách pháp luật Omega Plus, mặc dù các trích dẫn lịch sử và các góc độ pháp quyền đều nhìn dưới cái nhìn của đất nước Anh, bạn đọc sẽ cảm nhận từ từ dấu ấn của Pháp Quyền qua từng chương sách, cách áp dụng từng nước có thể khác nhau nhưng về bản chất nó chỉ có một, và cụm từ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã gói gọn tinh thần chính trị, cái đích hướng tới của nhà nước ta, cũng như mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.
Tác giả review: Trường Thắng (Nguồn: Người Đọc Sách)
Mong cả nhà nếu có nhu cầu mua sách, hãy mua theo Link này tại Tiki và Shopee Mall. Đây là những Shop mình chọn lọc theo lượt mua và giá bán, phản hồi tích cực từ người mua, giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Mỗi lượt mua sẽ giúp MOT có được 2% hoa hồng từ chủ Shop (không ảnh hưởng đến giá sản phẩm) để MOT duy trì website. Mình cảm ơn bạn nhiều.